Hè 2025 tại Trung Quốc chứng kiến hiện tượng giá các loại trái cây cao cấp như vải thiều, việt quất, cherry và nho Sunshine Rose đồng loạt giảm mạnh, tờ Nông Thôn Nhật Ký đưa tin. Đợt giảm giá hiếm có này được cư dân mạng tại quốc gia tỷ dân gọi là “cuộc cách mạng trái cây”.
‘Trái cây quý tộc’ hóa bình dân
Tại một cửa hàng trái cây ở thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang), biển thông báo giá vải thiều hương quế – loại có mùi thơm như hoa quế, vốn được niêm yết 68 NDT/kg (khoảng 232.000 đồng) bất ngờ bị thay còn 48 NDT (163.000 đồng)/kg chỉ sau vài ngày.
Chủ cửa hàng chia sẻ: “Ba hôm trước tôi còn sợ bán không hết, giờ mỗi ngày bán sạch vài chục thùng”.
Tại chợ đầu mối ở thành phố Ninh Ba, một thương lái cho biết: “Chỉ trong buổi sáng tôi đã bán hết hơn 200 trong số 300 thùng vải vừa nhập về. Giá thì thay đổi từng ngày, sức mua thì tăng gấp đôi”.

Không chỉ vải mà cả việt quất, cherry và nho Sunshine Rose – vốn được coi là hàng cao cấp, nay cũng không còn xa xỉ.
Tại thành phố Trịnh Châu, một khay việt quất 125 gram từng có giá hơn 100 NDT (khoảng 350.000 đồng), nay chỉ còn 9,9 NDT (khoảng 35.000 đồng). Nho mẫu đơn từ phân khúc cao cấp đã rơi xuống “câu lạc bộ 10 tệ”. Dâu tây cũng rớt xuống còn vài NDT mỗi lạng.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, hashtag #tráicâytựdo bùng nổ với hơn 1 tỷ lượt xem, dân mạng hóm hỉnh “Cuối cùng cũng được sống giấc mơ của thi nhân ngày xưa: ‘Ngày ăn 300 quả vải”.
Cuộc cách mạng hạ tầng trong ngành trái cây
Theo các chuyên gia, thứ nhất, giá trái cây giảm là do nguồn cung tăng vọt nhờ kỹ thuật, quy mô và yếu tố “thiên thời”.
Nông nghiệp Trung Quốc đang chuyển mình nhờ kỹ thuật cao và sản xuất quy mô lớn. Ví như việt quất, diện tích trồng tại nước này tăng từ 483.000 mẫu (năm 2020) lên tới 1,438 triệu mẫu (năm 2024) và sản lượng tăng 197%. Công nghệ nhà kính ở tỉnh Vân Nam còn giúp việt quất nội địa giòn và ngọt hơn hàng nhập khẩu.
Với vải thiều, ba vùng trồng lớn gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam dự kiến đạt 2,12 triệu tấn, tăng gần 40% so với năm ngoái. Tại vườn vải Phỉ Tử Tiếu ở thành phố Mậu Danh (Quảng Đông), mỗi cây có thể cho tới 500 gram, năng suất cao gấp 3 năm trước.
Thời tiết cũng đẩy sản lượng tăng mạnh. Mùa đông 2024 giúp cây vải ra hoa nhiều, còn đợt không khí lạnh đầu năm 2025 khiến các giống vải chín sớm và chín muộn cùng lúc ra trái, tạo nên hiện tượng hiếm gặp “ba mùa đổ bộ một lúc”. Mùa thu hoạch sớm – giữa – muộn đến cùng một lúc, khiến lượng quả đưa ra thị trường dồn dập và nhộn nhịp chưa từng thấy.
Thứ hai, chuỗi cung ứng được “lột xác”. Trước đây, vải thiều từ đảo Hải Nam ra miền Bắc Trung Quốc phải đi bằng máy bay, giá bán đầu mùa lên tới 100 NDT/kg. Nay chuyển sang đường bộ và xe lạnh, giá vận chuyển giảm 50%, tổn thất hàng hóa chỉ còn dưới 10%.

Tuyến đường sắt Trung Quốc – Thái Lan mở cửa cũng giúp giảm 30% chi phí vận chuyển sầu riêng, thời gian rút ngắn từ 10 xuống 6 ngày. Một thương lái ở Ninh Ba cho hay: “Năm ngoái, phí vận chuyển chiếm 45% giá thành, năm nay chỉ còn 28%”.
Các nền tảng thương mại điện tử cũng góp phần thay đổi cuộc chơi. Hema (hệ thống siêu thị của Alibaba) xây dựng 185 “làng Hema” để thu mua trực tiếp, như dưa lưới vùng Tân Cương về tới Thượng Hải chỉ sau 72 giờ. Pinduoduo triển khai nền tảng “đám mây đặt hàng” giúp nông dân bán với giá tốt hơn 20%.
Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển từ “ăn để khoe” sang “ăn có lý”. Theo khảo sát, tỷ lệ người sẵn sàng chi tiền để “thử trái cây đắt đỏ” đã giảm từ 68% (2020) xuống còn 42% (2024).
Giống vải cao cấp Quan Âm Lục ở thành phố Đông Hoản (Quảng Đông) đạt độ ngọt trên 20 độ Brix, cao hơn 15% so với cùng loại vải nhập khẩu từ Thái Lan. Chất lượng trái cây nội địa Trung Quốc ngày càng được nâng cao, dần chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập.
Sắp vào đỉnh, giá dự báo tiếp tục rơi
Vải Phỉ Tử Tiếu dự kiến bước vào vụ thu hoạch chính vào dịp Tết Đoan Ngọ cuối tháng 5, với giá đầu mùa khoảng 10-15 NDT/kg (tương đương 36.000-54.000 đồng), nhưng khi sản lượng tăng mạnh, giá có thể giảm sâu chỉ còn 5-8 NDT/kg (khoảng 18.000-29.000 đồng).
Trong khi đó, việt quất cũng chuẩn bị bước vào đợt xả hàng lớn trong tháng 5-6, mức giá dự báo giảm thêm tới 50%.
Khi việc ăn vải mỗi ngày không còn là chuyện lạ, “tự do trái cây” là niềm vui của người tiêu dùng Trung Quốc nhưng là bài toán sống còn của cả ngành.
Năng suất cao đi kèm với rủi ro “được mùa, mất giá” khi giá bán buôn vải năm 2024 đã giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các doanh nghiệp, lợi thế về “kênh phân phối” ngày càng giảm, nhường chỗ cho cuộc cạnh tranh về hiệu quả toàn chuỗi cung ứng.
(Theo Baidu)
