Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực
Theo ông Phương, công tác thống kê mới đây đã dự kiến đến ngày 30.6, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 216 nghìn tỉ đồng (30,49%/tổng kế hoạch năm 2023). Con số này cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 27,75%; số tiền tuyệt đối đến nay đã cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 65 nghìn tỉ đồng.
“Đây là một con số rất lớn, cho thấy chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công do có các giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện ngay từ đầu năm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 có khối lượng là 711 nghìn tỉ đồng, gồm cả vốn của năm 2023 và số bổ sung của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội. Đây là nhiệm vụ lớn, nặng nề, đòi hỏi các ngành, các cấp tập trung triển khai tiếp các giải pháp đã đặt ra từ đầu năm mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm, làm sao giải ngân đạt tối thiểu 95%/tổng số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.
Cũng theo ông Phương, về khả năng giải ngân vốn được giao, từ năm 2021 đến nay, hầu hết các tiến độ giải ngân cho thấy cơ bản đều đạt trên 90%. Đấy là cơ sở đặt niềm tin hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ đặt ra từ đầu năm.
Trong khi đó, thời gian qua, qua sự đôn đốc của Chính phủ, nhiều dự án lớn, trọng điểm về giao thông được đã khởi công, đây là tín hiệu rất tốt. Khi khởi công công trình giao thông cần lượng tiền vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng, nên có cơ sở để tin tưởng đáp ứng giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, gần đây, Quốc hội cũng quyết nghị tháo gỡ một số giải pháp cho giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện có thể hoàn thành mục tiêu.
Mục tiêu tăng trưởng đặt ra rất nặng nề
Ông Phương thông tin thêm tại cuộc họp báo, từ nay đến cuối năm dự kiến có nhiều khó khăn hơn yếu tố thuận lợi. Với bối cảnh đó, mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội đặt ra là tăng trưởng cả năm đạt 6,5% là rất nặng nề. Muốn đạt được mức như vậy, tăng trưởng quý 3 phải đạt tối thiểu 7,4%; quý 4 phải tăng trưởng thấp nhất 10,3%.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT có đưa ra kịch bản thấp hơn một chút là tăng trưởng cả năm đạt 6% thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 6,8%; quý 4 đạt 9%.
“Trên đây đều là các con số tăng trưởng có mức thách thức rất cao trong bối cảnh hiện nay”, ông Phương nói và cho biết Bộ KH-ĐT đã đề xuất 10 nhóm chính sách thể hiện trong dự thảo nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm là Nghị quyết về bảo đảm kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính. Dự thảo nghị quyết đã được trình, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng ban hành.
Trong đó tập trung nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, trước tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, cần đẩy mạnh làm tốt về phân tích dự báo, nhất là thị trường quốc tế để chủ động, kịp thời có giải pháp ứng phó hiệu quả.
Cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là giữ ổn định bằng được kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, các động lực tăng trưởng; tập trung điều hành hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục cải thiện lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế; miễn giảm thuế, giảm thuế giá trị gia tăng 2%.
“Sức ép điều hành lạm phát hiện đã giảm nhiều so với thời gian trước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm nên có nhiều dư địa, tạo điều kiện cho việc tập trung vào các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được áp dụng…”, ông Phương nói.