TP HCM “vắng bóng” căn hộ 25 triệu đồng/m2
Hiện nay, nhà ở tại TP HCM chủ yếu phân khúc trung cấp, cao cấp, căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 hoàn toàn vắng bóng.
Ngày 18-7, tại tọa đàm “Mua nhà để ở, bây giờ hay đợi thêm?” do Báo Tuổi trẻ tổ chức, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho hay dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho rằng lãi suất cao gây khó cho người mua nhà.
|
Trong 6 tháng đầu năm, cả thành phố có 13 dự án với 14.666 căn đủ điều kiện mở bán, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn huy động là khoảng 145.000 tỉ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.
Trong đó, phân khúc cao cấp (trên 40 triệu đồng/m2) chiếm đến 87% với hơn 13.000 căn, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, phân khúc trung cấp (từ 20-40 triệu đồng/m2) lại giảm nhiều.
“Còn phân khúc căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó chuyển sang phân khúc khác là nhà ở xã hội” – ông Huỳnh Thanh Khiết nói. Theo ông, thực tế rất khó có căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 bởi suất đầu tư công trình đã 11 triệu đồng/m2.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, nhận xét thời điểm này thị trường bất động sản còn khó khăn nên mọi người còn “án binh bất động”, thăm dò tình hình, đặc biệt là xem giá nhà để quyết định “xuống tiền” hay không?
Theo ông Dũng, trong tình hình hiện nay, nếu muốn giá nhà giảm sâu hơn thì doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận vì kinh phí liên quan cấu thành giá cũng rất minh bạch. Vì vậy, cần nhìn nhận khách quan giá bất động sản. Để bán sản phẩm, chủ đầu tư hầu hết xây dựng giá bán bằng cách hy sinh lợi nhuận của dự án, thậm chí lợi nhuận từ những năm trước để sản phẩm được hấp thụ, thậm chí chấp nhận lỗ để có thanh khoản.
Thị trường vắng bóng căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2.
|
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng – thương mại Lê Thành, thông tin giá nhà ở Việt Nam không cao hơn ở Thái Lan, Malaysia nhưng so với thu nhập của người dân thì quá cao. Trong khi đó, giá bán tùy thuộc vào thị trường và mong muốn lãi của chủ đầu tư.
“Nếu nguồn cung cao hơn nhu cầu thì thị trường sẽ tự điều tiết, giá nhà giảm. Nếu dự án kéo dài từ 5 năm xuống còn 3 năm thì sản phẩm sớm ra thị trường và doanh nghiệp cũng sẽ giảm lợi nhuận. Vì vậy cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cho dự án để tăng nguồn cung, thị trường sôi động thì giá nhà sẽ giảm” – ông Lê Hữu Nghĩa nói.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao thì nguyên nhân lớn nhất 10 năm nay là vấn đề pháp lý dự án. Điều này dẫn đến giá nhà cao hơn thu nhập người dân, cao hơn giá trị thật.
“Giá nhà dưới 25 triệu đồng/m2 đã là lịch sử. Nhìn bức tranh lớn thì doanh nghiệp cũng khổ, người dân cũng khổ” – ông Sử Ngọc Khương nói, đồng thời cho hay để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản nhà ở cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, nói với bảng lương hiện nay thì không biết bao nhiêu năm, người dân mới mua được nhà.
|
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, cũng thừa nhận thiếu nguồn cung nhà. Theo ông, nguồn vốn vay tín dụng đang khó khăn, pháp lý dự án còn vướng mắc… nên cần giải pháp tổng hợp.
Theo đó, cần điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan phát triển nhà ở; tiếp tục tháo gỡ pháp lý cho các dự án; chủ đầu tư nên có chính sách bán hàng hợp lý; điều chỉnh cơ cấu căn hộ để phù hợp với thu nhập người dân; cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian đầu tư dự án… Ngoài ra, hiện nay lãi suất tín dụng vẫn còn, cần chính sách giảm lãi suất cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
QUỐC ANH