Sáng 8.10, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được mua vào 68,5 triệu đồng/lượng và bán ra 69,3 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC kể từ đầu năm đến nay. Tổng cộng sau một tuần, vàng miếng SJC tăng 250.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng ở chiều bán ra. Điều này đưa chênh lệch giá mua bán vàng miếng lên 800.000 đồng, cao hơn tuần trước 100.000 đồng.
Riêng vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 55,75 triệu đồng và bán ra 56,8 triệu đồng, giảm 200.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 150.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước. Chênh lệch giữa giá mua bán vàng nhẫn SJC lại tăng lên 1,05 triệu đồng mỗi lượng thay vì chỉ 1 triệu đồng như tuần trước.
Giá vàng thế giới cuối tuần đứng ở mức 1.834 USD/ounce. Dù đã hồi phục từ mức thấp trước đó nhưng so với cuối tuần trước, kim loại quý đã giảm gần 16 USD. Quy đổi tương đương, vàng thế giới hiện có giá gần 54,3 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), giảm 200.000 đồng so với cuối tuần trước. Vàng miếng SJC lại tăng ngược chiều nên đang cao hơn thế giới 15 triệu đồng mỗi lượng.
Trong tuần, giá vàng liên tục lao dốc xuống mức thấp khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ liên tục tăng cao. Đặc biệt, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm vượt 5% – mức cao nhất kể từ năm 2007 – khiến vàng bị tác động mạnh.
Do vậy, nhiều chuyên gia phân tích lẫn nhà đầu tư thể hiện rõ sự phân vân trong dự báo giá vàng vào tuần tới. Cụ thể, cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco News với 13 nhà phân tích Phố Wall tham gia thì có 5 người, tương đương 38%, nhận định giá vàng sẽ tăng. Ngược lại, cũng có 5 người đưa ra dự báo kim loại quý sẽ giảm. Có 3 người còn lại dự báo vàng đi ngang.
Tương tự, cuộc khảo sát trực tuyến có 528 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì số người dự báo tăng và giảm cũng ngang nhau. Kết quả có 227 người, chiếm 43% cho rằng giá vàng sẽ tăng. Ở chiều ngược lại cũng có 222 người, tương ứng 42% nhận định kim loại quý sẽ giảm. Số còn lại gồm 79 nhà đầu tư, tương đương 15% nghĩ rằng vàng đi ngang.