Theo tính toán của các chuyên gia, để đáp ứng nguồn vốn cho các dự án môi trường và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần nguồn tài trợ dài hạn lên tới 368 tỉ USD. Trong đó, ngành ngân hàng (NH) đóng vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế xanh.
Huy động vốn quốc tế
NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng tài trợ cho các dự án “công trình xanh”. Gói tín dụng với lãi suất ưu đãi này được áp dụng đối với doanh nghiệp (DN) vay vốn để đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng, cải tạo công trình hiện hữu thành công trình xanh. Trước đó, BIDV cũng triển khai gói tín dụng xanh quy mô 4.200 tỉ đồng hỗ trợ DN dệt may chuyển dịch xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Theo BIDV, đến hết quý I/2024, dư nợ tín dụng xanh của NH này đạt 73.394 tỉ đồng – chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng, với 2.069 dự án, phương án kinh doanh của 1.698 khách hàng. “Không chỉ là một trong những tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường hiện nay, BIDV còn huy động thành công 5.000 tỉ đồng tiền gửi xanh – nguồn lực cho các dự án giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Với sản phẩm tiền gửi xanh, NH cam kết sử dụng toàn bộ để tài trợ cho các dự án xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công trình xanh” – đại diện BIDV cho biết.
NH Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa huy động gần 850 triệu USD từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB)… cho các dự án môi trường đòi hỏi nguồn vốn lớn, dài hạn.
Bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank, cho hay NH nỗ lực liên kết khu vực công và tư nhân để tạo ra cơ hội minh bạch, hấp dẫn cho thị trường, qua đó thúc đẩy các khoản đầu tư vào kinh tế xanh lam của Việt Nam. Điều này sẽ giúp DN, nhất là DN vừa và nhỏ, có đủ nguồn vốn để phát triển và mở rộng hoạt động liên quan các dự án xanh.
NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và NH Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng vừa ký kết hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 150 triệu USD nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam. Khoản vay tín chấp nói trên nằm trong khuôn khổ khái niệm AZEC – Cộng đồng châu Á phát thải bằng 0 do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng, trong nỗ lực trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Số liệu của NH Nhà nước cho thấy tính đến giữa năm 2024, đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh tổng dư nợ tín dụng xanh 650.300 tỉ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm ngoái và chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tín dụng xanh tập trung chủ yếu ở các ngành năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Nguồn vốn xanh còn khiêm tốn
Thực tế, Việt Nam chưa có quy định chung về danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Danh mục này sẽ giúp các TCTD có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án khi thẩm định cho vay để tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý.
Chuyên gia kinh tế – TS Trần Du Lịch thông tin từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện quy trình sử dụng tín dụng xanh. Thời điểm đó, NH Nhà nước và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ban hành sổ tay hướng dẫn cho 15 ngành về ứng dụng phát triển tín dụng xanh. Tuy nhiên đến nay, tỉ trọng tín dụng xanh còn khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng, dẫu tốc độ tăng trưởng tương đối cao.
Để cải thiện tình hình, theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, NH và DN để nâng cao nhận thức, tạo môi trường thuận lợi và đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB), một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quy mô tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn khiêm tốn là bởi DN, nhất là DN vừa và nhỏ, gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn xanh.
“Nhiều DN chưa thực sự hiểu rõ khái niệm về tín dụng xanh và các lợi ích mang lại. Thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh, tiêu chí và quy trình vay vốn thường không được phổ biến rộng rãi nên DN khó tìm được thông tin đáng tin cậy và đầy đủ liên quan điều kiện, yêu cầu đối với dự án xanh. Quy trình vay vốn xanh cũng phức tạp hơn so với vay vốn truyền thống, đòi hỏi nhiều bước thẩm định và giấy tờ cần thiết” – ông Hải chỉ rõ.
Trong khi đó, các dự án xanh thường được xem là có tính rủi ro cao, khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội lẫn tài chính. Do đó, NH phải cho vay với những điều kiện chặt chẽ hơn, chẳng hạn lãi suất cao hơn, tương ứng với mức độ rủi ro của dự án. “Để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh, đề xuất NH Nhà nước xem xét đưa ra mức ưu đãi và phần thưởng xứng đáng đối với những NH tích cực cho vay xanh để có động lực triển khai các sản phẩm xanh, chẳng hạn cấp khoản bảo lãnh cho vay với dự án năng lượng tái tạo” – ông Hải đề xuất.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng DN thuộc NH Phát triển TP HCM (HDBank), chia sẻ NH may mắn được tiếp cận và có nguồn vốn từ nhiều định chế tài chính nước ngoài. Các định chế này mong muốn DN phát triển theo hướng xanh nhưng để vay được vốn, DN phải chủ động chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình theo đuổi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-10
Nhiều khoản cam kết xanh
NH Nhà nước cho biết NH Phát triển châu Á (ADB) đã cam kết cho vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật đối với những dự án, chương trình xanh và bền vững tại Việt Nam với tổng giá trị cam kết hơn 11,6 tỉ USD.
NH Thế giới cũng đã cung cấp nguồn tài chính lên tới 18,7 tỉ USD cho Việt Nam, bao gồm viện trợ không hoàn lại, vốn tín dụng và vốn vay ưu đãi, thông qua 123 dự án xanh và bền vững.