Điện giá rẻ vẫn khó bán
Thông tin những ngày qua, một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có đơn tập thể gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan “cầu cứu” được huy động công suất điện tối đa để giảm thiệt hại. Theo trình bày của các doanh nghiệp này, trong thời gian qua, các nhà máy thủy điện trong tỉnh thường xuyên bị tiết giảm công suất và không được Công ty Điện lực Kon Tum huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện (PPA), theo giấy phép hoạt động điện lực và giấy phép khai thác nước mặt…
Các chủ đầu tư nhà máy thủy điện này cho biết, tình trạng các nhà máy vượt công suất theo hợp đồng đã ký kết này do vào mùa mưa, lưu lượng nước về các thủy điện tăng đột ngột, khiến công suất tua bin cao hơn công suất thiết kế. Tuy vậy, việc bị tiết giảm công suất, không được Điện lực Kon Tum huy động lại gây nhiều thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp này đề nghị cho phát vượt công suất của tổ máy, đồng thời đề nghị thanh toán tiền đối với sản lượng phát vượt công suất.
Giá điện từ nguồn thủy điện hiện được huy động với mức giá rẻ nhất (1.100 đồng/kWh) so với các loại điện than, điện tái tạo khác. Trước tình cảnh trên, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC – Điện lực Kon Tum là đơn vị trực thuộc EVNCPC) đã có trả lời bằng văn bản đến các chủ đầu tư nhà máy thủy điện. Dẫn nhiều quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Công thương, luật Điện lực, hợp đồng mua bán điện, giấy phép hoạt động điện lực… EVNCPC đã “bác” yêu cầu phát điện vượt công suất của các nhà máy này vì “chưa phù hợp quy định”. Tuy vậy, EVNCPC cũng cho biết đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đề nghị hướng dẫn xử lý phần công suất các thủy điện đã phát vượt trước đó, sau khi có hướng dẫn, EVNCPC sẽ xem xét thực hiện hạch toán, thanh toán cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, cũng tại địa bàn thuộc quản lý của EVNCPC, theo thông tin từ một số doanh nghiệp ở Quảng Ngãi, do sử dụng điện không đủ với sản lượng đăng ký, nhiều doanh nghiệp đã bị Công ty Điện lực Quảng Ngãi (trực thuộc EVNCPC) phạt vì vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã ký kết với công ty điện lực đầu tư trạm biến áp cũng lâm vào tình cảnh “hở một chút là phạt” do liên quan đến sản lượng sử dụng thấp hơn sản lượng đã ký kết trước đó. Theo giải thích của Điện lực Quảng Ngãi, việc phạt doanh nghiệp sử dụng điện ít hơn so với cam kết trong hợp đồng mục đích là ràng buộc để các bên có trách nhiệm với nhau. Đặc biệt, mục đích tránh các công trình đầu tư lắp đặt trạm biến áp của ngành điện bị lãng phí.
Thông thường, các doanh nghiệp sử dụng điện để sản xuất kinh doanh có ký cam kết mức điện tiêu thụ, từ đó ngành điện mới đầu tư hạ tầng tương xứng để cung cấp điện. Và nếu doanh nghiệp sử dụng lượng điện mỗi tháng thấp hơn 50% sản lượng đăng ký sẽ bị phạt. Một doanh nghiệp sản xuất trong ngành giấy tại địa phương này chia sẻ, ngành điện nên tính mức tính bình quân sản lượng điện doanh nghiệp sử dụng theo nửa năm, hoặc theo năm sẽ “dễ thở” hơn là tính theo từng tháng. Bởi trong năm, doanh nghiệp sẽ có vài tháng sản xuất sụt giảm do không vào mùa tiêu thụ, hoặc đơn hàng giảm, nếu cứ “cắt” theo từng tháng nhu cầu tiêu thụ điện, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chấp nhận làm khác thì hợp đồng mua bán điện còn có giá trị không?
Liên quan đến việc phát vượt công suất đã đăng ký, trước đó, ngày 27.6, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đã có văn bản số 1491 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện. Cơ quan này đã đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện đã được xây dựng với quy mô công suất lắp máy và các thông số kỹ thuật đúng quy hoạch ngành điện, giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép tài nguyên nước và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc để lãng phí không huy động hết công suất tại các nhà máy thủy điện là gây lãng phí; đồng thời, việc tiêu thụ không hết lượng đăng ký lại bị phạt là đang đi ngược xu thế tiết kiệm điện, đặc biệt trong bối cảnh thiếu điện tại miền Bắc… Nên chăng, cần có sự linh hoạt của ngành trong việc bổ sung một sản lượng thủy điện (giá rẻ) từ các nhà máy nói trên nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và không lãng phí nguồn tài nguyên nước.
Tuy nhiên, TS Mai Duy Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam – cho rằng cả hai vấn đề tiết kiệm điện và huy động vượt công suất đã đăng ký, hay tiêu thụ thấp hơn sản lượng đã ký kết và bị phạt là hoàn toàn khác nhau.
Ông nói: Các hoạt động mua bán điện, hợp đồng… đều tuân thủ theo luật, theo các quy định tại hợp đồng đã ký kết. Nếu ủng hộ cho phát tăng công suất đã cam kết, có phải chúng ta đang ủng hộ việc làm khác với hợp đồng không? Nếu vậy, hợp đồng mua bán điện đâu còn ý nghĩa? Trong thực tế, trước cũng có trường hợp gian lận, trốn thuế trong phát vượt mức quy định.
Tương tự với câu chuyện đầu tư trạm biến áp. TS Mai Duy Thiện cho rằng, nhà đầu tư phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng điện của khách hàng thế nào để đầu tư hạ tầng tương ứng ban đầu. Giả sử doanh nghiệp đã đăng ký tiêu thụ 1.000 kW điện mỗi ngày, ngành điện lực phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đủ để cung ứng từng ấy điện, nay khách hàng chỉ sử dụng 300 kW mỗi ngày, gây lãng phí rất lớn cho ngành điện trong đầu tư hạ tầng.
“Nếu tình trạng đầu tư lớn, sử dụng thấp hơn mức đăng ký trong thời gian dài, sẽ xảy ra tình trạng tổn hao, ảnh hưởng kỹ thuật lưới điện, vấn đề truyền tải, kế hoạch phân phối…”, TS Mai Duy Thiện nhấn mạnh.