Tung nhiều chính sách tốt vẫn khó bán hàng
Bà Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản ROL (TP.HCM), cho biết từ đầu năm đến nay việc bán hàng của công ty khá chậm chạp khi bình quân mỗi tuần chỉ bán được một sản phẩm. Điều đáng nói, công ty đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng cực tốt để hỗ trợ khách hàng như hỗ trợ vay lên đến 70% giá trị căn hộ, nhận nhà đến tận 1 năm sau mới phải trả gốc, lãi. Tổng thời gian hỗ trợ lãi suất và ân hạn nợ gốc lên đến 30 tháng, giúp “gỡ khó” tài chính cho khách hàng để an tâm nhận nhà.
Không những vậy, khách hàng còn được tặng combo thiết bị bếp cao cấp, miễn phí quản lý 3 năm, tặng 2 năm phí giữ xe, với tổng giá trị quà tặng lên đến 200 triệu/căn hộ. Một chính sách bán hàng “khủng” mà đơn vị này đưa ra là tùy từng diện tích và loại hình sản phẩm, căn hộ được cam kết thuê lại từ 8 đến 35 triệu đồng/tháng kéo dài đến 2 năm tính từ ngày bàn giao. Đây là thời gian cam kết dài bậc nhất trên thị trường. Mức giá thuê này ngang ngửa các căn hộ dọc trục đại lộ Mai Chí Thọ (khu vực Thủ Thiêm, quận 2 cũ).
“Giá bán mỗi m2 căn hộ chỉ từ 38 triệu đồng, được xem là tốt bậc nhất TP.HCM hiện nay. Đây cũng là dự án có pháp lý hoàn chỉnh hiếm hoi, tiến độ xây dựng đúng cam kết với khách hàng khi đã xây dựng đến tầng 10. Dù vậy, công ty đã làm đủ thứ, nhân viên kinh doanh cũng chạy bán hàng hết sức mà không bán được. Chưa khi nào thị trường khó như lúc này. Không biết tiền mặt ‘trốn’ ở đâu hết và chỉ cần mong thị trường sớm hồi phục. Sắp tới công ty sẽ phải xây dựng lại chính sách bán hàng mới”, bà Ngọc Trinh than thở.
Tại dự án Paris Hoàng Kim (TP.Thủ Đức) mở bán trở lại từ đầu tháng 6 đến nay nhưng tín hiệu cũng không mấy lạc quan dù chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách bán hàng khá hấp dẫn. Được biết, dự án này đã bàn giao nhà, nhưng khách hàng chỉ cần thanh toán 30% sẽ nhận nhà ở ngay, 65% còn lại người mua trả góp cho chủ đầu tư trong 2 năm. Nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng, chủ đầu tư cũng hỗ trợ toàn bộ lãi suất trong 2 năm đầu. Trường hợp thanh toán một lần, mức chiết khấu thanh toán nhanh là 15% giá trị căn nhà. Ngoài ra, khách mua cũng được tặng gói nội thất 50 – 70 triệu đồng, tùy từng loại căn hộ.
“Dự án nằm mặt tiền vòng xoay đường Lương Định Của – Trần Não, giáp ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng mức giá chủ đầu tư đưa ra thấp hơn 30 – 40% giá bán căn hộ quanh khu Thủ Thiêm. Khách hàng đi xem dự án rất nhiều, đa số đều khen đẹp, chất lượng tốt, vị trí thuận lợi, thế nhưng xem nhà xong rồi về. Triển khai bán hàng được gần 1 tháng nhưng bán chỉ được 2 căn. Chỉ những căn hộ officetel và shophouse thì cho thuê khả quan. Dự án đã bàn giao rồi, để đó cũng không được, mà bán cũng không xong. Hiện công ty đang tính toán phương án kinh doanh mới”, đại diện Công ty Khởi Thành, chủ đầu tư dự án cho hay.
Không chỉ hai dự án trên, nhiều chủ đầu tư đang mở bán các sản phẩm trên thị trường cũng lao đao vì đầu tư khá nhiều nhưng kết quả bán hàng thu về không được như kỳ vọng.
Doanh nghiệp nằm chờ
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai – bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp bất động sản như đi vào ngõ cụt bởi bán hàng không được trong khi tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản có thể nói là không thể xác định ngày nào xong. Nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay của doanh nghiệp là tập trung triển khai những dự án khả thi, làm sao bảo toàn vốn, không bị áp lực nợ vay, chuẩn bị tài chính cho giai đoạn mới.
Theo bà Loan, năm 2022, công ty thu về 1.274 tỉ đồng, tăng 21% song lãi ròng giảm đến 62% xuống còn 25 tỉ đồng. Riêng quý 4/2022, Quốc Cường Gia Lai lỗ trở lại gần 10 tỉ đồng trong quý, trong khi cùng kỳ lãi hơn 29 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, quý đầu năm Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 165,8 tỉ đồng (tăng 23%), nhưng lãi sau thuế chỉ đạt gần 1 tỉ đồng, giảm sâu so với con số gần 13 tỉ đồng trong quý 1/2022. Sở dĩ có nguồn thu 165,8 tỉ đồng là nhờ vào việc thu tiền bán căn hộ của khách hàng từ các năm trước. Trong khi từ năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gần như không có doanh thu từ việc bán các sản phẩm mới. Điều này khiến tổng giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp lên đến hơn 7.000 tỉ đồng trong khi tổng tài sản chỉ hơn 9.700 tỉ đồng.
“Ngành bất động sản thời gian qua đã rất xấu, nhiều trở ngại, trắc trở. Trong khi hàng bán không được, các đối tác không mạnh dạn đầu tư, ngân hàng, quỹ đầu tư cũng nằm chờ. Tình hình hiện nay rất thách thức, phải chọn phương án làm những dự án khả thi, ít rủi ro, không dám mở rộng đầu tư bởi chưa biết chính sách gỡ khó bao lâu nữa mới có tác dụng”, bà Loan chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ nửa cuối năm 2022 đến nay là giai đoạn khó khăn chung của thị trường bất động sản khi doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn, có tiềm lực tài chính mạnh cũng đều có nguy cơ chết trên đống tài sản vì hàng bán không được, không có dòng tiền. Không ít doanh nghiệp bất động sản lâm cảnh lao đao, phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, sa thải nhân viên hay ít nhất là giảm tiền lương và thu nhập của nhân viên, thậm chí một số doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, phải giải thể hay phá sản.
Ông Nguyễn Văn Đính đưa ra dẫn chứng, thị trường bất động sản có dấu hiệu “suy yếu” kể từ đầu năm 2022. Tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì đến tận thời điểm hiện tại bởi dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý 1/2023 đều có chiều hướng đi xuống. Trong đó, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1/2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tuy vậy, bất động sản vẫn tiếp tục khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, là một kênh đầu tư sinh lời bền vững. Theo đó, ngay cả trong giai đoạn khắc nghiệt của thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, các nhân viên môi giới bất động sản không ngừng nỗ lực từng ngày để gắn bó với nghề, trở thành cầu nối, đồng hành cùng doanh nghiệp và khách hàng”, ông Đính phát biểu.