Sáng 23.2, giá vàng trong nước bật tăng cao từ 700.000 – 800.000 đồng. Cụ thể, vàng miếng SJC tại ngân hàng Eximbank mua vào lên 76,8 triệu đồng và bán ra 78,5 triệu đồng, tăng 700.000 đồng so với hôm qua. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vàng miếng SJC với giá 76,5 triệu đồng và bán ra 78,7 triệu đồng… Hiện chênh lệch giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mức cao từ 1,7 – 2,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn 24K (tương đương 4 số 9) của PNJ không biến động nhiều khi vẫn được mua vào 63,35 triệu đồng và bán ra 64,5 triệu đồng. Như vậy, vàng miếng hiện đang cao hơn vàng nhẫn 14,2 triệu đồng một lượng.
Giá vàng thế giới đi ngang ở mức 2.026 USD/ounce nhưng trước đó có lúc rớt xuống sát 2.022 USD và ghi nhận mức thấp nhất trong gần 2 tuần. Hôm qua, Mỹ công bố dữ liệu cho thấy số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm trong tuần trước, cho thấy tăng trưởng việc làm có thể vẫn ổn định trong tháng 2.
Trước đó, biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed công bố vào ngày 21.2 cho thấy phần lớn các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương lo ngại về rủi ro hạ lãi suất quá sớm. Lãi suất được neo cao sẽ khiến giá vàng trở nên đắt đỏ đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, xung đột ở Trung Đông ngày càng tăng sau vụ Israel tấn công thành phố Rafah phía nam Gaza đã hỗ trợ kim loại quý neo giữ ở mức cao khi nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn. Ông Chris Gaffney, Chủ tịch thị trường thế giới tại EverBank, phát biểu trên CNBC rằng có nhiều rủi ro giảm giá đối với vàng trong ngắn hạn hơn là tăng giá, nếu dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực hơn và nếu lạm phát không tiếp tục giảm. Nhưng rủi ro địa chính trị dường như hỗ trợ khía cạnh trú ẩn an toàn của vàng và các biểu đồ kỹ thuật cho thấy vàng đã thiết lập một “mức sàn khá cứng” ở mức khoảng 2.000 USD/ounce…