Sự thật về thịt bò Aukobe giá rẻ đổ bộ thị trường Tết
Được quảng cáo là “người anh em” của bò Kobe Nhật, thịt bò Aukobe với những vân mỡ cẩm thạch bắt mắt đang “phủ sóng” khắp chợ online khi thị trường Tết bước vào cao điểm mua sắm.
Với chất lượng “tuyệt hảo” như quảng cáo nhưng thay vì có giá tiền triệu, giá thịt bò Aukobe Úc lại rẻ giật mình, chỉ 220.000-270.000 đồng/kg. Những ngày cuối năm 2024, bò Aukobe luôn tấp nập khách mua bán.
Lý giải vì sao giá thịt bò Aukobe được quảng cáo chất lượng chẳng kém gì bò Kobe Nhật Bản nhưng giá lại siêu rẻ, anh Trần Văn Cường – quản lý một chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội – cho biết, thịt bò Aukobe giá rẻ có thể là hàng sắp hết hạn sử dụng, được các kho hàng xả hàng. Ngoài ra, trên thế giới, còn có công nghệ bơm mỡ vào thịt bò để tạo ra những lớp mỡ đan xen phần nạc mà mọi người hay gọi là vân cẩm thạch.
Không chỉ với thịt bò Aukobe, ở Úc, công nghệ cấy mỡ tạo vân cẩm thạch còn được áp dụng trên thịt bò Hokubee nổi tiếng.
Vì sử dụng công nghệ bơm mỡ vào phần thịt nạc nên khi để dã đông rồi chế biến, miếng thịt bò sẽ hơi bở ra chứ không liên kết chặt chẽ như miếng thịt bò tự nhiên. Do đó, giá thành của những loại thịt bò này cũng rẻ hơn rất nhiều. (Xem chi tiết)
Giá thịt lợn tăng mạnh
Giá lợn hơi toàn quốc đang ở mức cao. Theo Báo Người Lao Động, ngày 30/12/2024, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi được giao dịch trong khoảng 67.000-69.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên giá dao động quanh 65.000-68.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam không ghi nhận sự điều chỉnh giá, thu mua trong khoảng 64.000-68.000 đồng/kg.
Tại TPHCM, giá thịt lợn bán lẻ đang giữ mức tăng 20-30% so với một tuần trước. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chả lụa, chả mỡ, xúc xích, tai heo ngâm chua, lạp xưởng, chả giò… đã phải điều chỉnh giá bán 10.000-20.000 đồng/kg.
Theo Sở Tài chính TPHCM, do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp cuối năm tăng trong khi nguồn lợn đủ trọng lượng xuất chuồng thiếu hụt đã dẫn đến biến động giá thịt lợn trên thị trường trong thời gian qua.
Tôm quỷ đỏ đắt nhất thế giới, giá 4,7 triệu đồng/kg đổ bộ thị trường
Thị trường hải sản cao cấp đang bước vào những ngày nhộn nhịp nhất năm khi Tết Ất Tỵ cận kề.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp này, ngoài những mặt hàng truyền thống như tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư, tu hài,… các cửa hàng còn tăng cường nhập khẩu nhiều loại hải sản độc lạ với giá bán đắt đỏ.
Tôm quỷ đỏ từ vùng biển Địa Trung Hải đang đổ bộ chợ Tết. Đây là loại tôm có giá đắt đỏ song kích cỡ chỉ ngang với con tôm sú to của Việt Nam.
Loại tôm này có giá dao động từ 3,5-4,7 triệu đồng/kg cho loại có kích cỡ từ 10-20 con/kg. Với mức giá này, tôm quỷ đỏ vượt qua tất cả các loại tôm hùm trở thành mặt hàng có giá đắt đỏ nhất tại thị trường Việt Nam. (Xem chi tiết)
Na sầu riêng tiền triệu rớt giá chỉ còn vài chục nghìn đồng
Na sầu riêng, loại quả từng có giá hàng triệu đồng/kg, gần đây được rao bán rộng rãi ở các chợ dân sinh và chợ mạng với mức giá rẻ bất ngờ. Theo báo Người Lao Động, thay vì có giá 600.000-700.000 đồng/kg, có lúc lên tới cả triệu đồng/kg vào 2-3 năm trước, nay na sầu riêng rớt giá mạnh.
Ở các tỉnh phía Bắc, thường na sầu riêng có giá khoảng 65.000-100.000 đồng/kg. Ở khu vực phía Nam, do chi phí vận chuyển nên giá na sầu riêng cao hơn khoảng 10%.
Tại TPHCM, loại quả này đang được bán khá nhiều chứ không còn khan hiếm như vài năm trước. Mức giá khoảng 170.000-230.000 đồng/kg đối với hàng loại 1 và 120.000-150.000 đồng/kg với hàng loại 2, giảm tới 80% so với thời điểm loại trái cây này mới du nhập về Việt Nam.
Việc Việt Nam nghiên cứu được cách nhân giống và trồng thành công na sầu riêng, thay vì nhập khẩu như trước, là lý do khiến giá loại quả này giảm mạnh.
Giá bưởi da xanh tăng cao
Hiện nay, nhiều loại trái cây ở tỉnh Bến Tre tăng giá, hút hàng. Trong đó, theo VOV, trái bưởi da xanh do chất lượng cao, xuất khẩu mạnh nên giá tăng đột biến.
Mấy ngày gần đây, thương lái ở tỉnh Bến Tre mua trái bưởi da xanh (loại 1) của nhà vườn ở mức giá trên 40.000 đồng/kg, bưởi loại thường giá trên dưới 35.000 đồng/kg. So với tháng trước, trái bưởi da xanh tăng hơn 10.000 đồng/kg. Theo nhà vườn địa phương, với mức giá này, mỗi kg bưởi cho lãi trên 20.000 đồng.