Xu hướng chi tiêu của Mỹ có thể dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hãm bớt tốc độ giảm lãi suất vào năm tới.
Báo cáo ngày 17/12 từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 tăng 0,7% so với tháng trước, so với mức dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ của tháng 10 so với tháng 9 được điều chỉnh tăng lên mức 0,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu bán lẻ tháng 11 của Mỹ đạt mức tăng 3,8%.
Trạng thái vững vàng của thị trường việc làm, với lượng nhân công bị sa thải thấp kỷ lục và tăng trưởng tiền lương mạnh, đang giữ vai trò yếu tố quan trọng thúc đẩy chi tiêu. Tình hình tài chính ổn định của các hộ gia đình, nhờ giá cổ phiếu cao kỷ lục và giá nhà không ngừng tăng, cũng thúc đẩy người Mỹ mua sắm. Chưa kể, lượng tiền tiết kiệm còn dồi dào cũng giúp khuyến khích hoạt động mua sắm.
Ô tô là mặt hàng được người Mỹ sắm nhiều trong tháng 11, với doanh thu tại các đại lý xe trong tháng tăng 2,6%, có thể do nhiều gia đình phải mua xe hơi mới sau hai trận bão lớn Helene và Milton. Doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 1,8% do có nhiều chương trình khuyến mãi sớm cho mùa mua sắm cuối năm.
Cũng có vài mảng xám trong bức tranh bán lẻ tháng 11 của Mỹ, bao gồm dấu hiệu cho thấy sự “thắt lưng buộc bụng” ở một số đối tượng người tiêu dùng, nhất là các hộ gia đình thu nhập thấp. Và dù tỷ lệ thất nghiệp còn thấp, tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại và khối nợ của người tiêu dùng vẫn không ngừng tăng lên.
Doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 0,4% trong tháng 11 sau khi tăng 0,9% trong tháng 9. Giới phân tích xem doanh thu của các nhà hàng là một chỉ báo quan trọng về tình hình tài chính của các hộ gia đình.
Dù vậy, người tiêu dùng Mỹ nói chung vẫn đang trong tình trạng khỏe mạnh. Trong quý 3, tiêu dùng tăng trưởng 3,5%, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ cùng kỳ. Chi nhánh Atlanta của Fed dự báo GDP Mỹ tăng 3,1% trong quý 4.
Trái lại, lĩnh vực sản xuất của Mỹ gây lo ngại, một phần do ảnh hưởng kéo dài từ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed và các cuộc đình công ở hãng sản xuất máy bay Boeing. Sản lượng của các nhà máy ở nước này chỉ tăng 0,2% trong tháng 11 sau khi giảm 0,7% trong tháng 10 – theo dữ liệu từ Fed. Giới phân tích đã kỳ vọng mức tăng 0,5% của sản lượng lĩnh vực sản xuất trong tháng 11.
Thống kê bán lẻ mới nhất của Mỹ không ảnh hưởng gì đến khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư, khi ngân hàng trung ương này kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2024. Tuy nhiên, xu hướng chi tiêu cao của người Mỹ và những dấu hiệu dai dẳng gần đây của lạm phát đồng nghĩa Fed có thể tạm dừng việc giảm lãi suất vào tháng 1.
Các chính sách do Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất, bao gồm áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu và trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ, cũng được cho là đang làm phức tạp thêm vấn đề đối với Fed.
“Thị trường vẫn đang dự báo Fed giảm lãi suất trong lần họp này, nhưng nếu người tiêu dùng vẫn chi tiền mua những hàng hóa nhạy cảm với lãi suất như ô tô, câu hỏi được đặt ra sẽ là vì sao Fed lại ‘đổ thêm dầu vào lửa’ khi vị Tổng thống sắp nhậm chức vào cuối tháng 1 mang tới một trong những chương trình nghị sự hậu thuẫn tăng trưởng nhất trong lịch sử”, ông Christopher Rupkey – nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS – nhận định với hãng tin Reuters.
Giới kinh tế học kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ đưa ra tín hiệu giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khi cập nhật dự báo kinh tế trong lần họp này. Lãi suất cho vay qua đêm của Fed hiện ở mức 4,50% -4,75%, giảm từ mức đỉnh của hơn 2 thập kỷ là 5,25-5,5% trước cuộc họp tháng 9 năm nay. Trước đó, lãi suất của Fed đã tăng 5,25 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023.
“Trừ khi thị trường lao động suy yếu nghiêm trọng, các nhà đầu tư nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm tới nhưng giảm không nhiều như kỳ vọng ban đầu”, nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach của công ty LPL Financial nói với Reuters.