Giá vàng miếng SJC sáng 10.7 giảm 100.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 66,45 triệu đồng, bán ra 67,05 triệu đồng; Eximbank mua vào còn 66,4 triệu đồng, bán ra 66,8 triệu đồng… Trong khi đó, giá vàng nhẫn đứng yên ở mức 55,2 triệu đồng chiều mua vào và bán ra 56,3 triệu đồng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 11,8 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn 4 số 9 cao hơn 11,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ngày 10.7 mở cửa tăng từ mức 1.924,5 USD/ounce lên 1.928,5 USD/ounce nhưng sau đó sụt giảm nhanh xuống 1.922 USD/ounce trước khi trở lại mức 1.925 USD/ounce. Trong tuần này, dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.
Trước đó, số liệu việc làm yếu hơn mức dự kiến trong tháng 6 đã hỗ trợ vàng tăng giá. Mỹ có thêm 209.000 việc làm, thấp hơn con số dự báo 225.000 việc. Đây là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 12.2020. Tăng trưởng việc làm chậm lại là tin tốt cho vàng vì có thể loại bỏ khả năng tăng lãi suất hai lần trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên mức suy giảm này cũng chưa đủ mạnh để có thể khiến Fed không tăng lãi suất trong tháng 7. Điều đó có nghĩa là đà tăng của giá vàng có thể bị hạn chế trong ngắn hạn.
Còn khoảng 2 tuần nữa đến cuộc họp của Fed, thị trường đang tập trung theo dõi con số lạm phát được công bố trong tuần này. Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho rằng, triển vọng dài hạn đối với vàng là tăng do thị trường lao động sẽ suy yếu. Nhưng với nhiều đợt tăng lãi suất đang được định giá, hiện tại rất khó cho vàng.
Vàng chỉ có thể phá xu hướng giảm giá khi nó tăng trên mức 1.943 – 1.965 USD/ounce. Vùng 1.903 – 1.910 USD/ounce là vùng hỗ trợ quan trọng, nếu phá mức 1.891 USD/ounce thì vàng có thể giảm mạnh xuống 1.830 USD/ounce.