Đặt bên cạnh những bộ chén sứ của Nhật, Trung Quốc, những quốc gia nổi tiếng với ngành gốm sứ nhưng chiếc chén của VN không hề thua kém. “Bất chợt tôi nghĩ về những chiếc chén gốm thô kệch ở nhà, trong tâm thức trào lên cảm xúc rất lạ. Một khát khao đến cháy bỏng, rằng lớn lên phải làm cho được những cái chén ăn bằng gốm sứ đẹp đẽ kia, thậm chí phải làm đẹp hơn cả chén của họ…”, ông Lý Minh Long bồi hồi nhớ lại. Năm đó, ông mới 12 tuổi.
Nhưng không đợi “lớn lên”, trở về từ cuộc triển lãm, cậu bé Lý Ngọc Minh vùi đầu vào “phòng nghiên cứu”, thực ra là cái góc nhỏ trong lò của gia đình tìm hiểu về men, màu… Thừa nhận chỉ là “cậu bé học sinh lớp 3 trường làng” nên việc có thể hiểu, điều chế, nghiên cứu thí nghiệm, tìm được màu men chuẩn; rồi làm sao để nung không nghiêng, họa tiết rõ nét, cho ra màu thế nào… đều phải tự mày mò tìm hiểu, đọc nhiều sách trong các lĩnh vực hóa học, địa chất, vật lý và tốn rất nhiều thời gian nghiêm cứu, nghiền ngẫm, thử nghiệm…
Ông Minh bảo: “Ngành gốm sứ có đặc thù riêng, ngoài rất nhiều câu hỏi chỉ có câu trả lời duy nhất bằng khoa học kỹ thuật, cái mà ở mình khi đó còn rất lạc hậu so với thế giới thì điều khó khăn hơn là phải học từ trời đất, từ thiên nhiên. Tôi nói đùa con chim sắt (máy bay – PV) phải học chim thiệt mới biết bay, chứ con chim đại bàng biết bay là bẩm sinh rồi, đâu cần học. Mình học từ nhiên thiên là vậy. Khi khó khăn, tiến gần đến với thiên nhiên, học cách quan sát và phân tích trên phương pháp khoa học, sẽ vỡ ra nhiều điều. Phải áp dụng khoa học kỹ thuật để cạnh tranh được giá cả với họ nhưng giữ nét riêng của mình” – ông Minh đúc kết.
16 tuổi, ông thay mẹ đứng ra cai quản mấy lò gốm, làm chủ việc kinh doanh và nung nấu thát vọng thoát nghèo “không còn cách nào khác phải nghiên cứu để có được màu men cao cấp hơn”.
Cùng với người bạn Dương Văn Long, cả hai ngày đêm nghiên cứu cách pha chế màu sắc của men, để vẽ lên những sản phẩm gốm sứ mà không cần nhập từ Nhật, Anh. Trời không phụ lòng người, công nghệ pha chế tạo màu “men Tây” thành công trong vòng một năm.
Năm 1970, cả hai quyết định lập công ty để sử dụng màu “men Tây” đã nghiên cứu thành công làm thành những mẻ gốm sứ mỹ nghệ đầu tiên. Hai năm sau thành lập, những lô gốm sứ mỹ nghệ lấp lánh, sáng bóng từ lò gốm sứ Minh Long chính thức xuất ngoại và ngay lập tức được thị trường đón nhận.
Nhiều người từng chuộng hàng gốm sứ ngoại quay lại mua hàng của Minh Long 1
Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Sau năm 1975, sản xuất xuất khẩu đồ gốm sứ thế giới chững lại. Khó khăn chồng chất, ông Minh phải chuyển sang làm kem đánh răng, nấu rượu, trổng đu đủ để mưu sinh và nuôi dưỡng khát vọng gốm sứ. Ông là người đưa giống đu đủ của Đài Loan về trồng tại Bình Dương, cho quả sát đất, ruột đặc hơn hẳn giống truyền thống. Cũng nhờ đu đủ, ông tích lũy được 8 cây vàng để trở lại với gốm sứ.
Cả thập kỷ sau đó là giai đoạn khó khăn, không chỉ với Minh Long mà cả đất nước sau thống nhất. Thế nhưng, khát vọng đưa sản phẩm gốm sứ Việt ra thế giới chưa bao giờ ngừng chảy trong trái tim và khối óc của người con vùng gốm.
Năm 1990, Minh Long 1 trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép xuất khẩu, đây cũng là cột mộc đánh dấu thương hiệu gốm sứ Minh Long 1 chính thức hồi sinh. 5 năm sau đó, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục, Minh Long 1 sớm xây dựng cho mình thị trường vững chắc tại nhiều nước châu Âu. Năm 1995 được xem là “đỉnh cao” sự nghiệp xuất ngoại của Minh Long 1 với 98% sản phẩm làm ra đều được xuất khẩu, hiện thực hóa giấc mộng đưa hàng gốm sứ Việt ra nước ngoài của doanh nhân Lý Ngọc Minh.
“Muốn mang chuông đi đánh xứ người thành công, phải cố gắng mang những mặt hàng tinh xảo mà người ta không có, đừng cố mang thứ thiên hạ có nhiều rồi, rất khó lấy thị trường. Hoặc giả người ta đã có sản phẩm đó rồi, mình phải cải tiến thế nào cho khác, tối ưu hơn người ta thì mới trụ được” – ông Minh nói về bí kíp chinh phục thị trường của mình.
Đến nay, sau 50 năm thành lập, Công ty TNHH Minh Long 1 đã khẳng định vị thế số 1 về gốm sứ dân dụng trong nước và đặt tham vọng vào top 10 doanh nghiệp ngành gốm sứ quốc tế vào năm 2030. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Ngọc Minh bảo, nhiều người gọi hành trình 30 năm của ông là hành trình thắp, giữ và truyền lửa của hậu duệ thứ 3 dòng họ Lý, dòng họ có truyền thống dựng nghiệp và thành công từ đất.
Còn với ông Minh, điều ông giúp ông làm lên hành trình đó chính là niềm đam mê gốm sứ đến kỳ lạ, khó lý giải. “Điều tôi cảm thấy mãn nguyện nhất chính là mình tạo ra mỗi sản phẩm đều có hồn, có văn hóa trong đó. Sản phẩm mà không có hồn chẳng khác nào con người không có tri thức, không được giáo dục để trưởng thành. Sản phẩm có hồn tự thân sẽ tự biết nói lên được câu chuyện về gốm sứ Việt” – ông Minh nói.
Nhưng khát vọng lớn nhất của doanh nhân Lý Ngọc Minh không chỉ là chinh phục thị trường nước ngoài. Gốm sứ Việt không có chỗ đứng ngay tại sân nhà đã khơi dậy ngọn lửa đam mê trong ông và ngọn lửa đó chưa bao giờ tắt.
“Tôi không bao giờ quên kỷ niệm cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần thăm Bình Dương cứ băn khoăn, sao cả tỉnh làm đồ sứ mà không thể sản xuất ra một bộ đồ trà để tiếp khách, phải mua của nước ngoài” – ông Minh nhớ lại và thừa nhận: “Thời điểm đó, hàng chén bát, ly tách trong nước ngập đồ Trung Quốc, Pháp, Nhật… Tỉnh Bình Dương còn lại vài ba lò gốm hoạt động cầm chừng. Ngành gốm sứ Việt dù ra đời rất sớm nhưng èo uột do không thể cạnh tranh với hàng ngoại”.
Thế nên, dù đang thành công ở thị trường thế giới, ông vẫn quyết định quay về thị trường nội địa nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Người tiêu dùng trong nước đã quá quen sử dụng hàng ngoại. Muốn chinh phục họ, phải có gì khác biệt, đặc biệt, nổi trội hơn.
Ông bắt đầu những chuyến đi ra nước ngoài tìm tòi, học hỏi liên tục. Không có quốc gia nào có ngành gốm sứ phát triển mà ông chưa đặt chân tới. Càng khó khăn, thách thức càng khơi dậy khát vọng chinh phục trong con người của doanh nhân Lý Ngọc Minh. “Làng quê hồi đó có gần 20 lò gốm, cảnh nên thơ, đẹp lắm, nhưng nghèo. Mẹ tôi là chủ cơ sở sản xuất gốm nhưng cuộc sống thiếu trước hụt sau, bán được hàng mới có tiền đong gạo. Thế nhưng, khó khăn lại giúp hun đúc cho mình một tinh thần bền chí” – ông Minh chia sẻ.
Có hai dấu mốc lớn trong hành trình của Minh Long 1 đến từ sự “bền chí” này. Đầu tiên là thành công của công nghệ nung một lần. Ông Lý Ngọc Minh kể, muốn đốt ở nhiệt độ cao, các hãng gốm sứ phương tây chọn công nghệ đốt hai lần. Nhưng ông đặt mục tiêu chỉ đốt một lần dù trước đó, có hãng phương Tây đã thử nghiệm 7 năm không thành công nên đã bỏ cuộc vì chi phí quá lớn. “Tôi mày mò nghiên cứu mất 12 năm mới thành công. Ở đời, hơn nhau ở sự bền chí” – ông Minh nhắn nhủ.
Một số sản phẩm của Minh Long
Câu chuyện “nung một lần” của Minh Long 1 trong sản xuất đồ gốm sứ là điểm son đáng tự hào của ngành gốm sứ trong nước và thế giới. Tổng giám đốc hãng sứ nổi tiếng số một của Đức là Rosenthal, trong một lần trả lời phỏng vấn VTV đã khẳng định: Thế giới này nung ở nhiệt độ 1.380 mà nung một lần lửa chỉ có ở Minh Long 1. Thực tế, đối với nghề sành sứ, nhiệt độ nung rất quan trọng. Đức có công nghệ cao nhất, đốt lên 1.380 độ C nhưng phải hai lần. Nhật Bản lên đến 1.450 độ, Pháp là 1.350 độ…. Việc chuyển qua công nghệ nung một lần đã giúp cho Minh Long 1 tiết kiệm tối đa chi phí và cải tiến được chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm gốm sứ Minh Long 1 với hàng ngàn mẫu mã đã phủ sóng mọi phân khúc thị trường từ khách sạn, hộ gia đình, dùng để làm quà tặng cho các vị nguyên thủ quốc gia trong các sự kiện trọng đại của Việt Nam.
Thứ hai là bộ nồi dưỡng sinh, ông Long mất đến 15 năm nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, đã thực hiện đến hàng trăm lần thí nghiệm, lặn lội đi không biết bao nhiều mỏ đất đá để tìm nguyên liệu… mới thành công.
Thực ra, nồi gốm Nhật đã làm từ hơn 20 năm trước, sau đó Trung Quốc, Hàn Quốc cũng làm. Thế nhưng, vì bản chất của gốm khi có chất mặn vào là men rạn ngay nên dùng một thời gian gặp tình trạng này.
“Tôi nghiên cứu, thí nghiệm sản xuất nồi sứ bằng phương pháp sốc nhiệt từ 750 độ, lên 850… rồi lấy ra ngâm xuống nước đá muối âm 5 độ. Khi vớt lên, nồi vẫn còn nguyên, không bị bể. Nhưng tôi vẫn chưa dám đưa ra. Sau hai năm gia đình dùng thử nghiệm thành công, tôi mới công bố đại trà. Chiếc nồi đất là giấc mơ về chiếc nồi nấu ăn của mẹ nấu ngày xưa mà tôi đã dành trọn tâm – trí – lực và 15 năm để chế tác thành hình. Không những thế, sứ dưỡng sinh còn là món quà sức khỏe. Phàm ở đời làm điều gì cũng nghĩ đến hạnh phúc của con người và hạnh phúc lớn nhất của đời người là phải có sức khỏe” – ông nói.
Sở hữu công nghệ vượt trội, có các sản phẩm khác biệt, “đánh bại” các thương hiệu gốm sứ nước ngoài và đặt tham vọng vào top 10 doanh nghiệp lớn ngành gốm sứ quốc tế vào năm 2030. Nhưng với doanh nhân Lý Ngọc Minh: “Một viên ngọc ném lăn lóc thì cũng như viên đá mà thôi, nhưng nếu có người dũa mài, ngọc sẽ phát sáng và có giá trị. Minh Long 1 luôn mong muốn làm tốt hơn những gì đã đạt được và chấp nhận những gian khó, chắc trời không phụ lòng người”.
Khát vọng ghi danh gốm sứ Việt lên bản đồ thế giới luôn thôi thúc người đàn ông nay làm việc không biết ngơi nghỉ. Năm 2022, ông đã chính thức rời ghế tổng giám đốc, chuyển giao ghế thuyền trưởng công ty cho con trai Lý Huy Sáng, nhưng ở cương vị chủ tịch, ông vẫn làm việc miệt mài. Mỗi ngày bắt đầu 5 giờ sáng, tập thể dục, ăn sáng xong 7 giờ ông đã vào công ty làm việc. “Tôi luôn nói với các con rằng hãy tận nhân lực mới tri thiên mệnh. Nếu hài lòng những gì mình đã có và đã làm được là coi như chấm dứt rồi”.
Thế nên, sau 53 năm lập nghiệp tới nay, sản phẩm của Minh Long 1 được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, vững chân ở thị trường nội địa. Đặc biệt, gốm sứ Minh Long luôn có mặt trên nhiều bàn nghị sự quốc gia, quốc tế, quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia… Thế nhưng, ông Lý Ngọc Minh vẫn chưa hài lòng khi thị trường lớn 1,4 tỉ dân Trung Quốc vẫn chỉ “đang tiếp cận”. Ông bảo, có nhiều khó khăn khi thâm nhập cái nôi của gốm sức thế giới nhưng “khó không có nghĩa là không được. Vậy chuyện xuất hàng sang Trung Quốc cần làm thời gian lâu hơn. Bây giờ chúng tôi mới thấy đủ sức lực để có thể thực hiện được”.
Ông Minh thừa nhận, giá là yếu tố thách thức cho người làm hàng xuất khẩu ngày nay khi thị trường thế giới đua nhau dùng công nghệ hiện đại nhất để sản xuất cạnh tranh bằng giá. Chiếc ti vi màn hình mỏng ngày trước mua hết 12.000 USD, nay vài trăm đô la đã có cái đẹp. Đồ sản xuất thủ công cũng vậy, giá ngày nay rẻ hơn nhiều so với ngày trước. Thế nên theo ông Minh, khi thế giới cạnh tranh về giá cả, hàng hóa Việt phải áp dụng khoa học kỹ thuật để cạnh tranh với họ. Mỗi doanh nghiệp có công thức riêng để thành công, nhưng công thức chung là hướng đến cái tốt nhất, phải tinh hoa.
“Tôi gọi sản phẩm gốm sứ tinh hoa là vậy, bởi nó chắt lọc từ 2 yếu tố tinh túy và tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, càng khó khăn thì càng phải tập trung làm với quyết tâm đến cùng với sự minh bạch, nhất quán. Thế giới phẳng, thông tin nhiều, nhưng việc học hỏi, đào sâu tìm hiểu một sản phẩm, thị trường không bao giờ lỗi mốt” – người đàn ông đầu đã bạc trắng nói, không thấy có dấu hiệu của sự nghỉ ngơi ở doanh nhân này.