Phát triển cảng Trần Đề của Sóc Trăng thành cảng đặc biệt, cửa ngõ vùng ĐBSCL
Ngày 9/10, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023) cho đồng chí Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
|
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023) cho Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, quy hoạch là căn cứ, định hướng tiền đề để tỉnh Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển. Sóc Trăng là một trong 13/63 tỉnh, thành của cả nước và 2/13 tỉnh thành của vùng ĐBSCL đã được phê duyệt xong quy hoạch tỉnh.
Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL với diện tích tự nhiên hơn 3,311 km2 – đứng thứ 6 trong vùng, dân số gần 1.2 triệu người – đứng thứ 9 trong vùng, với bờ biển dài hơn 72 km, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với hai con sông chính là sông Hậu, sông Mỹ Thanh (có ba cửa sông chính ra biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh), có vị trí cách trung tâm vùng ĐBSCL- TP. Cần Thơ 60 km.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Sóc Trăng tập trung tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, tỉnh tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỉnh kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh.
Phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt, cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Để sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển Cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng tôi đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt, cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
|
Thứ tư, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ năm, khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng tốc phục hồi và phát triển
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tập trung triển khai một số nội dung sau:
Một là, khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, vùng và tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.
Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 của các địa phương theo nhiệm vụ được phân công.
Hai là, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo không gian và động lực tăng trưởng mới.
Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư để tăng tốc phục hồi và phát triển.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến, thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư theo thẩm quyền của Trung ương để sớm triển khai, đưa các công trình, dự án vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả, đóng góp vào phát triển chung của quốc gia cũng như các địa phương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng năm 2023 hôm nay là tiền đề, dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển giai đoạn tiếp theo của tỉnh, cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, ý chí cần cù, chăm chỉ, khát vọng không ngừng vươn lên của con người Sóc Trăng.
Phó Thủ tướng tin tưởng, tỉnh Sóc Trăng sẽ có bước phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành khu vực phát triển năng động của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhật Quang