Hơn 1,1 triệu tỉ đồng tín dụng cho những tháng cuối năm
Ngày 10.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng hạn mức tín dụng giao cho toàn hệ thống lên khoảng 14%, tương đương số tiền 1,669 triệu tỉ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Nếu chỉ tính riêng 3% tăng thêm cho đợt phân bổ này tương đương với 358.000 tỉ đồng. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng chỉ mới 4,7%, nên lượng vốn cho những tháng cuối năm còn lại lên hơn 1,108 triệu tỉ đồng. Hiểu nôm na thì các nhà băng đang rất dồi dào thanh khoản.
Thế nhưng đa số NH lại tỏ ra khá kín tiếng trong đợt phân giao hạn mức tín dụng lần này. Lãnh đạo các nhà băng mà chúng tôi gọi điện hỏi về tỷ lệ cấp mới chỉ trả lời chung chung chứ không cho biết cụ thể được tăng thêm bao nhiêu. Nhìn lại lần phân bổ đầu năm theo danh sách do Công ty chứng khoán VnDirect công bố thì MSB là 13,5%, HDBank là 11%, ACB 9,8%, Vietcombank 9,8%, VIB 9,5%, Techcombank 9,5%, TPBank 9,1%, VPBank 9%, MB 9%, BIDV 8,3%, LPBank 8%…
Đối chiếu với tỷ lệ cho vay thì một số NH cổ phần tư nhân gần như chạm trần. Còn đối chiếu dữ liệu từ ước kết quả kinh doanh quý 2/2023 của một số NH có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, Công ty CP chứng khoán SSI dự báo HDBank tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm; MB đã sử dụng hết hạn mức được cấp lần đầu trong tháng 6; Sacombank tăng trưởng tín dụng đặt mức 5% so với đầu năm; Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% (cuối tháng 3 tăng 2,5%); ACB tăng trưởng tín dụng mức 4,5 – 5%; TPBank dự ước đạt tăng trưởng tín dụng tối đa 7% so với đầu năm… Nghĩa là vẫn còn không ít nhà băng chưa dùng hết quota tín dụng được cấp.
Vì vậy, việc NHNN nới thêm hạn mức tín dụng lên 14%, theo ông Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, sẽ hỗ trợ phần nào những NH đang hết room triển khai cho doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, nhìn vào mức tăng trưởng tín dụng thực tế của các NH, có thể thấy một điều là những NH nhỏ thường tăng trưởng tín dụng nhanh dù lãi suất cho vay cao hơn nhiều những NH lớn.
Điều này cho thấy, những NH lớn quy định cho vay rất khó và tỷ lệ vay thấp nên doanh nghiệp, cá nhân khó tiếp cận trong khi tín dụng chủ yếu tập trung ở những NH này. Do đó, nới hạn mức (room) tín dụng mà điều kiện cho vay khó thì vốn cũng vẫn ách lại như thường. Chưa kể, tài sản thế chấp trên thị trường hiện nay đang giảm cũng sẽ tác động đến các khoản vay. Bên cạnh đó, với những khoản vay cũ nhiều NH còn yêu cầu bổ sung thêm tài sản.
Doanh nghiệp kiệt quệ, không vay được vốn
Mặc dù NH có hơn 1,1 triệu tỉ đồng để bơm ra nền kinh tế vào những tháng cuối năm nhưng các doanh nghiệp lại không mấy tin tưởng sẽ tiếp cận được vốn với những điều kiện hiện tại. Chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, nói vui: “Nay phải cần nhiều người đỡ mới đứng nổi vì yếu quá rồi”. Hàng hóa sụt giảm, thiếu việc nên lượng hoạt động chỉ còn chưa đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Thanh cho biết có nhiều doanh nghiệp cùng ngành chỉ còn sản lượng hàng hóa để chuyên chở chỉ khoảng 30% so cùng kỳ năm trước. Giai đoạn hiện nay khó khăn hơn cả những năm 2008 – 2009 khi kinh tế suy thoái. Doanh thu giảm, tương ứng công ty cũng bị lỗ sau 6 tháng hoạt động. Chính vì vậy không còn đường để tiếp cận vốn vay từ NH. Bởi với các NH mà ông có giao dịch đều cho hay phải dựa vào điều kiện chung là có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi. Trong khi đó, một số hợp đồng vay trước đây công ty cũng vẫn trả lãi từ 10 – 10,5%/năm. Mức lãi suất này chỉ giảm nhỏ giọt so với đầu năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát
Vì vậy, ông Thanh mong muốn có chính sách vay vốn phù hợp cho từng nhóm ngành. Chẳng hạn như với ngành vận tải thì doanh nghiệp vẫn cần được vay vốn để duy trì hoạt động như mua xăng dầu để chạy xe, mua lốp xe, trả lương cho người lao động… Các NH có thể xem xét về lịch sử tín dụng của công ty, dựa trên tài sản hiện có như số lượng đầu xe và doanh thu để có thể ước tính các khoản cần chi trong tháng để cho DN vay vốn lưu động.
“Hiện nay chúng ta thấy người tiêu dùng mua cái gì cũng có thể được khuyến khích trả góp 0%. Còn như chúng tôi muốn mua lốp xe để thay cũng phải chi trả liền. Trong khi hợp đồng vận tải hàng hóa thì cũng chỉ được thanh toán sau. Mỗi ngành nghề hiện có cái khó riêng, cũng như có doanh nghiệp lớn, nhỏ hay tình hình tốt, xấu khác nhau. Nếu các NH vẫn đánh đồng, áp dụng chung điều kiện để xét duyệt cho vay như phải có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi thì thật sự lúc này có rất nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được điều kiện đó nên sẽ không thể nào vay được. Điều này cũng tương tự như triệt mất đường sống của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động về lưu trú, dịch vụ du lịch tại TP.HCM (xin không nêu tên) cũng cho biết không thể vay được vốn NH với yêu cầu ngoài tài sản đảm bảo là phải kinh doanh 2 năm trước đó có lãi. Thế nhưng đã hơn 3 năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, làm sao các khách sạn, dịch vụ du lịch có lãi được? Ngoài thời gian dài khách sạn phải đóng cửa thì cho đến nay khách nước ngoài cũng chưa trở lại nhiều, chỉ hoạt động cầm chừng. Muốn khôi phục thì vẫn phải cần vốn lưu động, duy tu sửa chữa hay trả lương cho người lao động. Nhưng với tình trạng này nên nhiều đơn vị phải rao bán tài sản, ngừng hoạt động vì “thiếu máu” để duy trì.
Cần công bố công khai, minh bạch hạn mức phân bổ tín dụng của từng NH để mọi người có thể giám sát. Tránh tình trạng, khách hàng đến vay nhận được thông tin “hết hạn mức tín dụng” hoặc hạn mức tín dụng này cung cấp cho sân sau của NH.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Đồng cảnh ngộ, Công ty chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai) đã từng nuôi vài triệu con gà với doanh thu 600 – 700 tỉ đồng/năm nhưng đến nay trang trại chăn nuôi đã ngừng hoạt động, chỉ còn duy trì bộ phận giết mổ với doanh số chưa đến 30%. Theo ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Bình Minh, nguyên nhân chính là khó khăn kéo dài trong hơn 3 năm qua khi giá thành sản xuất cao hơn giá bán ra nên công ty bị thua lỗ, từ đó giảm bớt quy mô chăn nuôi. Khó khăn chồng chất và hiện nay khi muốn khôi phục lại hoạt động chăn nuôi thì lại thiếu vốn bởi không thể vay được.
Đáng chú ý, công ty đã bị chuyển nhóm nợ nên càng không được NH cho vay mới. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không đáp ứng được điều kiện phải có lãi nên cũng không tiếp cận được vốn vay từ NH. “Doanh nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã cầu cứu nhiều lần nhưng vẫn không có giải pháp nào cụ thể. Mặc dù chăn nuôi cũng được xem là lĩnh vực được khuyến khích nhưng chưa thấy có sự hỗ trợ đồng hành nào. Ngay cả khoản nợ cũ cũng không được xem xét giãn nợ, khoanh nợ nên doanh nghiệp đang bên cửa tử”, ông Dương Anh Tuấn cho hay.