Từ lão nông trồng chuối nơi biên giới…
Nằm cặp biên giới với Campuchia, trang trại rộng hơn 240 ha (xã Mỹ Bình H.Đức Huệ, tỉnh Long An) của ông Võ Quan Huy chủ yếu trồng chuối, phần còn lại là măng cụt, bưởi da xanh và hàng ngàn con bò. Ngoài cái tên thân mật Út Huy, nhiều người còn gọi ông bằng biệt danh “vua chuối” miền Tây vì ông là người đầu tiên ở vùng này xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí rất cao của các thị trường khó tính. Lão nông 70 tuổi đã gắn bó cả đời với nghề nông kể từ khi ông đến vùng đất này khai hoang năm 1994, tới tận 10 năm sau xã Mỹ Bình mới được thành lập.
Thời đó, đất đai hoang hóa, nhiễm phèn rất nặng, xử lý bằng hóa chất nhiều lần nhưng không được. Chỉ đến khi thử nghiệm bằng phân hữu cơ thì mới thành công. Bên cạnh đó, yêu cầu của thị trường cũng đòi hỏi những sản phẩm an toàn và chất lượng cao mà chỉ có sử dụng phân bón hữu cơ mới đáp ứng tốt. Vì thế, mô hình nông nghiệp tuần hoàn vừa là cái duyên, vừa là xu thế tất yếu mà ông áp dụng cho các trang trại của mình.
Ông Huy cho biết trước đây, nguồn phân hữu cơ trên thị trường rất ít và giá lại cao. Để chủ động, ông quyết định xây dựng trang trại nuôi bò có sức chứa lên đến 7.000 – 8.000 con. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý phân bò thành phân hữu cơ đạt chuẩn cho trồng trọt theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Để tăng độ đạm cho phân bón, ông mua thêm dịch tôm cá và tro để phối trộn. Tới giờ, lượng phân bón hữu cơ sản xuất tại trang trại Long An đã đáp ứng được 90% nhu cầu phân bón của hệ thống trang trại Huy Long An bao gồm cả Đồng Nai, Bình Dương. Thế nên mấy năm bò không có lời vì giá thấp, có thời điểm bò hơi chưa tới 80.000 đồng/kg nhưng ông vẫn nuôi để lấy phân làm phân bón cho các trang trại trồng cây.
“Vua chuối” miền Tây Võ Quan Huy
“Bây giờ nghiên cứu sách vở, dự hội thảo, đọc báo nghe đài mới biết thứ mình đang làm người ta gọi là nông nghiệp tuần hoàn. Nhưng bản chất cũng giống mô hình vườn – ao – chuồng trước đây. Chỉ có điều trước kia chất thải chăn nuôi được sử dụng trực tiếp hoặc ủ đơn giản rồi đưa vào khâu trồng trọt thì nay phải xử lý bằng công nghệ vi sinh. Phân bón phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn về mặt môi trường”, ông Huy thành thật.
Theo ông Huy, làm nông nghiệp tuần hoàn không khó nhưng quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ về lợi ích mà nó mang lại và phải kiên trì với lựa chọn đó. Với các trang trại lớn, có nhiều lao động thì nhận thức của người đứng đầu là rất quan trọng. Họ phải làm sao để nhân viên hiểu được ý nghĩa, việc làm của mình trong từng công đoạn thì mới có thể thành công. Bản thân ông cũng phải dành nhiều thời gian huấn luyện, đào tạo nhân viên hiểu được những giá trị mà công ty đang thực hiện. “Khi chăm sóc vườn cây, một cọng cỏ dại chúng ta phơi khô đem đốt thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu biết cách xử lý thì nó sẽ là nguồn tài nguyên vì bản thân nó là sinh khối, là chất hữu cơ. Người làm nông nghiệp tuần hoàn phải có những nhận thức cơ bản và chi tiết như vậy thì mới thành công”, “vua chuối” miền Tây chia sẻ.
…đến các tập đoàn lớn
Xanh hóa sản xuất hay nông nghiệp tuần hoàn giờ đây có thể gặp ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. Theo ông Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital: 10 – 20 năm trước, rác thải nông nghiệp là gánh nặng rất lớn ở VN. Ngày nay, phần lớn rác thải đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối, giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch. Đây chính là kinh tế tuần hoàn và Nestlé đang sản xuất gạch, phân bón từ các phế phẩm hay vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa; Heineken VN tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia; Unilever VN đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa… “Không có lý do gì để các doanh nghiệp (DN) VN không đi đầu trong áp dụng các thực tiễn kinh tế tuần hoàn”, ông Don Lâm nhấn mạnh.
Đối với các DN lớn, việc xanh hóa sản phẩm không còn là khẩu hiệu hay phong trào mà mệnh lệnh của sự tồn tại. Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé VN, chia sẻ ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên đang phá vỡ vòng tuần hoàn tái tạo tự nhiên, gây biến đổi khí hậu. Hoạt động của con người và DN chính là tác nhân gây ra các vấn đề này. Vì thế, “DN nên tiên phong chuyển đổi sang mô hình kinh tế đảm bảo phát triển bền vững”, ông Jacob nhấn mạnh. Tại VN, việc cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé VN giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 – 2022).
Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế để có thể tái chế và tái sử dụng. Một số sáng kiến của Nestlé VN có thể kể đến như sử dụng nhựa PE tái sinh cho bao bì sản phẩm NESCAFÉ, chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền. Bên cạnh đó, công ty cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp giúp tái chế dễ dàng hơn. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé VN đạt mục tiêu “không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015. Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé VN được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng.
Các mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên phổ biến. Đó là trang trại trồng nha đam Nắng và Gió ở vùng Phan Rang nắng cháy của Công ty CP Thực phẩm G.C. Đó là mô hình 2 cây – 1 con: chuối, sầu riêng và heo ở Gia Lai của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đó là các trang trại sinh thái của Nutifood, Vinamilk… Đó là quyết tâm chính trị của các địa phương về giảm khí thải nhà kính, khí thải từ giao thông, từ sử dụng điện than… Không chỉ sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn còn giúp DN thu về hàng tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng bên cạnh tấm thẻ thông hành để xuất khẩu hàng đi khắp thế giới, đồng thời giúp các địa phương nâng cao chất lượng đời sống người dân, nâng cao khả năng cạnh tranh để thu hút đầu tư chất lượng cao.
Trồng cà phê bền vững
Cuối tháng 6.2023, Nestlé VN và Bộ NN-PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác công-tư nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp thông qua Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững VN (PSAV). Nestlé và Bộ NN-PTNT đã khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp”, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây xanh gồm cả cây gỗ, cây ăn trái… giai đoạn từ nay đến năm 2027. Dự án nhằm góp phần đem lại giá trị kinh tế, tạo thêm thu nhập cho người nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện các điều kiện canh tác cây cà phê, đặc biệt tăng khả năng chống lại côn trùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, cải thiện chất lượng đất trồng và đa dạng sinh học. Dự kiến dự án sẽ giúp hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 – 2027), góp phần giúp chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái trong canh tác cây cà phê tại các tỉnh Tây nguyên.
“Con đường màu xanh” tất yếu
Phát triển kinh tế theo “con đường màu xanh” càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn khi VN là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng nhập khẩu sản phẩm của VN đã và đang hướng đến lộ trình dán “nhãn sinh thái” cho sản phẩm. Là nền kinh tế mở, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, không còn cách nào khác ngoài xanh hóa sản phẩm của mình. Câu chuyện ngành dệt may VN “đói” đơn hàng trong khi Bangladesh “làm mệt nghỉ” vì đã chuyển sang sản xuất xanh đón đầu xu thế mới của thế giới là lời cảnh báo cho cả ngành xuất khẩu nói riêng và xu hướng phát triển nói chung.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐHQG TP.HCM): Thực tế đòi hỏi nhân loại phải chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn vì nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm. VN cũng như nhiều nước trên thế giới đã đặt ra mục tiêu, lộ trình rõ ràng cho vấn đề này. Cụ thể vào năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng về 0. Để làm được điều này, các chính phủ phải xây dựng lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn ngắn. Bên cạnh đó là định ra khuôn khổ pháp lý, chính sách để xã hội vận hành theo.
Ngoài ra còn cần phải có cơ chế vốn để thúc đẩy sự chuyển đổi. Tăng trưởng xanh cần phải giải quyết từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng. Phải làm đồng bộ tất cả các khâu, bởi chỉ cần một khâu trục trặc sẽ đứt gãy chuỗi, mà cả chuỗi phải xuyên suốt thì mới có kinh tế tuần hoàn. “Muốn phát thải bằng 0 vào năm 2050 thì tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, DN cũng phải có mục tiêu như vậy. DN muốn tồn tại và phát triển cũng phải dựa vào thị trường bao gồm cả trong nước và ngoài nước. Vì thế, Nhà nước cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đại đa số dân chúng và chính sách khuyến khích họ lựa chọn các sản phẩm bền vững thông qua giá bán”, ông Quân phân tích.
“Theo quan sát của tôi hiện nay chúng ta đang mới ở giai đoạn nói và bàn nhiều về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn còn chính sách vẫn thiếu và yếu. Bên cạnh một vài hình mẫu nổi bật thì đại bộ phận DN vẫn chưa xác định được mục tiêu, lộ trình để chuyển đổi. Chính vì vậy, nhiều DN chưa có được chương trình hành động cũng như chưa huy động nguồn lực sao cho phù hợp với xu hướng chung của toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng đã và đang chuyển đổi rất nhanh theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững với tự nhiên. Nếu chúng ta không nhanh chóng nắm bắt xu hướng này sẽ có nguy cơ bị tụt hậu như bài học của ngành dệt may hiện tại”, TS Quân nhận định.
Ở góc độ là một DN và cũng là nhà hoạt động môi trường, bà Phan Thúy Phượng, Giám đốc Công ty sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường Phương Lan – Phó trưởng đại diện Văn phòng phía nam Hội Nước sạch và Môi trường VN, dẫn chứng: Túi nhựa thân thiện môi trường hiện tại chúng ta đã phủ hết đến các hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, các kênh khác thì túi nhựa truyền thống vẫn thống lĩnh, chiếm trên 60% tổng sản lượng túi nhựa trên thị trường. Hiện tại, các loại túi nhựa thân thiện môi trường làm bằng nguyên liệu cao cấp, giá thành cũng chỉ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Đây là cơ hội tốt để Nhà nước tiếp tục các chính sách thúc đẩy tiêu dùng túi thân thiện môi trường và hạn chế túi nhựa truyền thống. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ để lĩnh vực sản xuất túi nhựa tự hủy, nhựa sinh học phát triển.
Xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng trả cao hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. “Xanh hay là chết”, chỉ có một lựa chọn để phát triển của mỗi DN và từ đó, đóng góp vào mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26.
Khảo sát của Công ty tư vấn Bain về Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 cho thấy người tiêu dùng ở các nước đang phát triển như VN, Philippines, Indonesia quan tâm về môi trường và xã hội nhiều hơn so với các nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng tại VN đứng đầu danh sách về mong muốn DN đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi để phát triển bền vững. Trong khi đó, ở các nước như Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, người tiêu dùng kỳ vọng chính phủ giữ vai trò này. Kết quả khảo sát dựa trên ý kiến của gần 17.000 người tại 11 quốc gia.