Theo Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), trong thập kỷ qua, số lượng nhà máy, quy mô sản xuất và tổng sản lượng đều tăng gấp đôi. Năm 2024, tổng sản lượng các loại đạt gần 1,5 triệu tấn, tương đương 4,2 tỷ USD, tăng trưởng 14,5% so với năm 2023; trong đó, nhôm định hình là 650 nghìn tấn, chiếm 43,3%; nhôm tái chế trên 250 nghìn tấn, chiếm 16,7%; còn các loại nhôm khác chiếm 40%. Giá trị xuất khẩu nhôm của Việt Nam năm 2023 đạt 2,15 tỷ USD. Quy mô thị trường nhôm Việt Nam năm 2025 ước đạt 4,53 tỷ USD.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2025 với chủ đề “Nhận diện cơ hội và thách thức của ngành nhôm”, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAA, cho biết cơ hội cho ngành nhôm bứt phá là rất lớn.
Dự báo đến 2030 nhu cầu về vật liệu nhôm sẽ tăng 25% so với hiện tại. Nhôm xây dựng và công trình sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khoảng 13% trong giai đoạn 2024-2029. Bộ Xây dựng dự báo nhôm xây dựng có mức tăng trưởng 25% trong 5 năm tới nhờ có chính sách tháo gỡ cho các dự án đầu tư bất động sản.
NHIỀU THÁCH THỨC BỦA VÂY
Việt Nam có 17 Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định RCEP, EVFTA, CEPA là những thị trường triển vọng cho ngành nhôm Việt Nam khi thuế nhập khẩu nguyên liệu 0%; thuế xuất khẩu với hầu hết các sản phẩm hoàn chỉnh cho người dùng cuối 0%. Mặt khác, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia lớn như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Hơn nữa, nhu cầu về nhôm trên thế giới rất lớn, mở ra cơ hội không giới hạn cho ngành nhôm Việt Nam.
Mặc dù vậy, thách thức hiện nay không nhỏ. Nhôm Việt Nam hiện đã xuất khẩu được vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm lần lượt 25%, 14%, 11% và 10% giá trị xuất khẩu của ngành nhôm, nhưng doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp 20% vào tổng giá trị xuất khẩu nhôm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhôm hiện đang phải đối mặt với những tác động địa chính trị, kinh tế thế giới. Thị trường xuất khẩu ngưng trệ. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc liên tục dựng lên các rào cản thuế quan, phi thuế quan, các quy định về môi trường.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, từ tháng 6/2025 mức thuế xuất khẩu nhôm vào thị trường này tăng lên 50%. Doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn khi mở rộng thị trường xuất khẩu. Nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư mở rộ̂ng.
Theo ông Trương Minh Hải, Chủ tịch Nam Hải Group và EuroHa, ngành nhôm trong nước yếu về vốn, nhân lực, công nghệ, hạn chế về sản phẩm. Áp lực chuyển đổi xanh, thực hiện ESG (môi trường – xã hội – quản trị) nhưng thiếu hướng dẫn, thiếu vốn và nhân lực kỹ thuật cao như luyện kim, số hóa, quản lý phát thải. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất nhôm chất lượng cao còn hạn chế. Công đoạn lớn nhất là điện phân nhôm chưa làm được. Ngành nhôm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, hiện tượng dư thừa công suất nhiều năm nay chưa cải thiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật quốc tế, thiếu kinh nghiệm quy định xuất nhập khẩu, khó tiếp cận với thị trường đòi hỏi cao. Việc xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm quốc tế cũng không phải đơn giản, bởi đa số doanh nghiệp là vừa và nhỏ, nguồn lực lại yếu.
HỖ TRỢ THUẾ, XÚC TIẾN XUẤT KHẨU
Để doanh nghiệp nhôm vượt qua những thách thức trên, theo ông Phụ, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị ESG, ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu nhôm Việt nhằm chiếm lĩnh thị trường, thay thế hàng nhập khẩu. Điều chỉnh chính sách phù hợp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh: giảm thuế VAT, giảm thuế xuất khẩu 5%, hướng dẫn thực hành ESG, hỗ trợ tín dụng xanh. Đồng thời, mở rộng thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), học hỏi từ chính các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đào tạo nhân lực, nhân lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo VAA kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm sau ép đùn mã 7604 từ 5% về 0%, ít nhất với thị trường Hoa Kỳ. Trước đây, khi mức thuế chỉ khoảng 10%, doanh nghiệp còn có thể xoay xở. Nhưng từ tháng 6/2025 đến nay, Hoa Kỳ đã nâng lên 50%, nếu không giảm thuế kịp thời, chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phá sản. Còn những doanh nghiệp vừa sản xuất nội địa, vừa sản xuất xuất khẩu sẽ giảm, giảm doanh thu, lỗ vốn.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng cơ hội luôn đi kèm thách thức, với ngành nhôm cũng vậy. Thuế xuất khẩu của ngành nhôm vào thị trường Hoa Kỳ đang từ 23% tăng lên 50%, chúng ta tưởng như vậy sẽ mất đi cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Song việc bị áp thuế cao cũng là cơ hội để ngành nhôm cải tổ toàn diện. Bởi nếu chúng ta không có những thay đổi từ sớm thì trong tương lai sẽ rất khó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
“Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chiếm 12-13% tổng trữ lượng boxit toàn cầu nên hoàn toàn có cơ sở để sản xuất nguyên liệu nhôm. Hiện tại, chúng ta chưa có khả năng sản xuất ngoài Nhà máy Alumin Nhân Cơ, nên có thể nói ngành luyện nhôm của chúng ta còn rất non trẻ”, ông Phú nhận định. Đồng thời, ông Phú cho rằng cơ hội thị trường ngành nhôm rất lớn, giá điện của Việt Nam hiện đang thấp hơn 25% so với nhiều nước trong khu vực và chỉ bằng 1/3 EU – là yếu tố quan trọng trong ngành luyện nhôm vốn tiêu tốn nhiều điện. Hơn nữa, giá tuân thủ ESG, CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) chiếm tỷ trọng rất thấp…; cơ hội thị trường trong nước rất lớn do Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Với thị trường nước ngoài, cơ hội của ngành cũng rất lớn từ thị trường 17 FTA, khi thuế nhập khẩu trung bình hầu hết đều về 0% từ 2019 -2022, trừ Israel và UAE đến năm 2027 sẽ về 0%. Do đó, theo ông Phú, cơ hội thị trường ngoài Hoa Kỳ còn rất lớn, vấn đề quan trọng là thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Ngành cần khắc phục những hạn chế, yếu kém như xây dựng thương hiệu, liên kết ngang, liên kết dọc để tạo chuỗi giá trị, hợp lý hóa quy trình sản xuất, giảm giá thành… Như vậy, có thể thấy trong ngắn hạn ngành có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thế giới; trong trung và dài hạn, ngành cần liên kết để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xây dựng được thương hiệu.
ĐỀ XUẤT THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP VAW
Để phát triển ngành nhôm, ông Trương Minh Hải đề xuất thí điểm thành lập Liên minh ngành Nhôm Việt Nam và thế giới (VAW). Có thể là liên minh hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp nhôm nội địa có cùng khát vọng xuất khẩu dựa trên một nguyên tắc đoàn kết và kỷ luật kinh doanh.
Liên minh nhằm tăng sức cạnh tranh, tập trung vốn, công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm và tối ưu hóa sản xuất. Mở rộng thị trường, cùng nhau tìm kiếm thị trường, khai thác thị trường tiềm năng và tận dụng các FTA. Đồng thời, liên minh giúp giảm thiểu rủi ro thông qua chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thủ tục xuất nhập khẩu, các quy định của thị trường.
Về chiến lược chuyên môn hóa, ông Hải cho rằng có thể phân chia thành lĩnh vực sản xuất, mỗi doanh nghiệp tập trung vào thế mạnh riêng, tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, giảm chi phí đầu tư trùng lặp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh. “Để thành công một cách bền vững và dài hạn không hề đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta không đi thì không bao giờ đến. Việc thí điểm thành lập VAW ở một quy mô vừa phải là một bước đi chiến lược, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành nhôm Việt Nam trên bản đồ thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.
Trên thế giới, mô hình VAW đã thành công trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, ngân hàng, mô hình liên minh doanh nghiệp Đài Loan đã chứng minh hiệu quả trong xuất khẩu. Lộ trình thực hiện VAW: Giai đoạn 1 – xác định các doanh nghiệp tiềm năng; xây dựng khung pháp lý và cơ cấu tổ chức; giai đoạn 2 – thí điểm triển khai mô hình ở quy mô vừa phải, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh kịp thời; giai đoạn 3 – phát triển thành mô hình lớn mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu toàn cầu. Tầm nhìn dài hạn, VAW sẽ trở thành trung tâm sản xuất nhôm chất lượng cao; nâng cao vị thế của nhôm Việt Nam; tạo thương hiệu nhôm quốc gia mạnh.