Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. 7/14 thành viên tham gia thị trường đã trúng thầu. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút tiền về, nâng tổng lượng thu về lên gần 30.000 tỉ đồng.
Việc hút tiền về cho thấy thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng khá dồi dào. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp đã tạo hiện tượng đầu cơ USD trong ngắn hạn. Việc nhà điều hành hút tiền về đã khiến lãi suất tiền đồng tăng nhẹ trở lại trên thị trường liên ngân hàng. Ngày 12.3, lãi suất tiền đồng tăng từ 0,1 – 0,7%/năm tùy theo kỳ hạn, dao động từ 1,5 – 5,1%/năm ở các kỳ hạn.
Lãi suất huy động tiết kiệm những ngày gần đây cũng được điều chỉnh giảm. Techcombank vừa giảm lãi suất tiết kiệm ở những kỳ hạn ngắn từ 0,1 – 0,4%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng còn 2,35%/năm, 3 – 5 tháng còn 2,45%. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên, chẳng hạn 6 – 8 tháng ở mức 3,5%/năm, 9 – 11 tháng 3,55%, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,5%. Tương tự, MB cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1 – 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 2,1%/năm, 3 tháng còn 2,5%, 6 tháng 3,5%, 12 tháng 4,5% và mức cao nhất trên thị trường là 5,6%/năm ở kỳ hạn từ 24 – 36 tháng. Trước đó, một số nhà băng như GPBank, PVcombank, VPBank… cũng đã giảm lãi tiết kiệm từ 0,1 – 0,5%/năm.
Theo quy định hiện nay, lãi suất huy động từ 6 tháng trở xuống có mức trần là 4,75%/năm thế nhưng hầu hết mặt bằng lãi tiết kiệm dưới 6 tháng ở mức 1,7 – 3,8%/năm; ở kỳ hạn 6 tháng, lãi tiết kiệm cũng chỉ 3 – 5,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 4 – 5,3%…