Mặt bằng cho thuê nhà phố tại Hà Nội ngày càng trở nên ế ẩm, thậm chí nhiều nơi có vị trí đắc địa nằm trên “đất vàng” cũng phải để không suốt thời gian dài vì không có người thuê. Chuyên gia nhận định nguyên nhân chủ yếu là bởi giá thuê quá cao.
Mặt bằng cho thuê trên “đất vàng” bỏ không
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hàng loạt mặt bằng cho thuê đang bị bỏ trống, phải treo biển “mời gọi” khách đến thuê xuất hiện trên nhiều tuyến phố lớn tại Hà Nội như: Phố Huế, Kim Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào,…
Những vị trí tại khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) thường là những nơi đắc địa và được nhiều nhãn hàng săn đón nên hiếm khi bị bỏ trống trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù nền kinh tế đã dần phục hồi, tình trạng mặt bằng cho thuê bị bỏ trống ngày một nhiều hơn.
Theo anh Phạm Đức, môi giới bất động sản, việc tìm khách thuê mặt bằng thời gian gần đây rất khó khăn. Trước đây, sau thời điểm dịch Covid-19, lượng khách thuê có giảm nhưng cũng không giảm sâu như hiện nay. Khó khăn nhất là việc chủ nhà cho thuê không muốn giảm giá ngay cả khi suốt nhiều tháng không có ai thuê.
“Các khách thuê trả lại mặt bằng do giá thuê cao, trong khi kinh doanh ế ẩm, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Bên cạnh đó, trước sự phát triển của công nghệ số, các hoạt động kinh doanh như bán quần áo, hóa mỹ phẩm trực tiếp giảm sút, còn nhu cầu mua bán trực tuyến tăng vọt. Trong khi đó, nhiều chủ nhà vẫn không hạ giá mặt bằng cho thuê, nếu có chỉ giảm rất ít, không đủ kích cầu”, anh Đức chia sẻ.
Giá thuê mặt bằng nhà phố tại khu vực quận Hoàn Kiếm như: phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông… được các chủ nhà “hét giá” cao từ 40 – 80 triệu đồng/tháng đối với tầng 1 và tùy diện tích, vị trí. Mặc dù, những mặt bằng kinh doanh này vẫn đang bỏ trống suốt nhiều tháng qua nhưng nhiều chủ nhà vẫn không có ý định giảm giá.
Ông S.V, chủ nhà cho thuê tại phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) cho biết, giá cho thuê trên phố là giá chung nên những chủ nhà quanh khu vực này đều muốn giữ giá chứ không tăng và không giảm từ sau dịch Covid-19.
“Giá nhà tôi cho thuê tầng 1 suốt 4 năm gần đây đều là mức 40 triệu đồng/tháng. Thời điểm kinh tế khó khăn nhiều khách họ thuê 3 – 6 tháng rồi trả lại mặt bằng do không buôn bán được. Nhà tôi ở với kết hợp cho thuê nên vẫn hầu như không tăng giá theo xu hướng nhưng nhu cầu khách thuê ít hơn trước nên suốt 2 tháng nay mới bỏ trống”, ông V chia sẻ.
Mặt bằng cho thuê giá cao trong khi nhu cầu giảm
Theo các chuyên gia của Savills, tình trạng mặt bằng cho thuê ế ẩm tại nhiều tuyến phố trung tâm ngày càng phổ biến và dự báo sẽ còn khó khăn. Nguyên nhân là bởi giá thuê vẫn ở mức cao dù nhu cầu không lớn. Theo thống kê, giá thuê bán lẻ tại tầng 1 hoặc mặt phố nhiều tuyến đường quận Hoàn Kiếm đầu năm 2024 cao hơn 20% so với trước dịch.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, gần đây nhiều mặt bằng cho thuê bị bỏ trống do người thuê không “gánh” được các chi phí thuê cửa hàng, chưa kể tiền nhân công, điện, nước.
“Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng giá cho thuê mặt bằng vẫn ở mức cao. Vì điều này nên chủ nhà và người thuê không có tiếng nói chung, buộc phải ngừng giao dịch”, ông Đính nhận định.
Các chuyên gia cũng nhận định nhu cầu thuê mặt bằng của các thương hiệu lớn, hay một số nhà hàng cao cấp tại các nhà mặt phố hiện vẫn được duy trì. Ngược lại, những cửa hàng kinh doanh sản phẩm có thể chuyển đổi bán hàng theo hình thức trực tuyến thì gần như đã rút lui hết. Tình trạng trả lại mặt bằng ở những cửa hàng kinh doanh tại những phố nhỏ, ngõ nhỏ hiện cũng khá phổ biến.
Bên cạnh giá thuê cao, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tác động lớn tới tình trạng ế mặt bằng cho thuê. Các hoạt động kinh doanh như bán quần áo, mỹ phẩm trực tiếp giảm sút, còn nhu cầu mua bán trực tuyến tăng vọt. Trong khi đó, nhiều chủ nhà vẫn không hạ giá mặt bằng cho thuê, nếu có chỉ giảm rất ít và không đủ kích cầu.