Gói thầu 5.10 sân bay Long Thành: Liên danh Vietur của ông lớn Thổ Nhĩ Kỳ có “hồ sơ năng lực” khủng cỡ nào?
Kết quả chọn nhà thầu cho dự án nhà ga hành khách sân bay Long Thành vẫn đang được giới đầu tư từ xây dựng, bất động sản cho đến chứng khoán thấp thỏm trông chờ những ngày cuối tháng 7. Cổ phiếu của những nhóm doanh nghiệp trong danh sách dự thầu những ngày qua liên tục tăng rồi giảm. Bên cạnh đó, hai ông lớn ngành xây dựng CTD và Ricons vào giai đoạn nước rút lại dấy lên lùm xùm về khoản nợ tồn tại từ đời Chủ tịch cũ của CTD ông Nguyễn Bá Dương.
Sân bay Long Thành được xem là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14.9 tỷ USD. Gói thầu nhà ga hành khác (gói 5.10) là gói có vốn đầu tư khủng nhất hiện nay với hơn 35.2 ngàn tỷ đồng.
Ba liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu, Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons (CTD) đứng đầu và có thành viên là nhà thầu Thái Lan, Liên doanh Vuetur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu cùng một số thành viên là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương và Tổng công ty Vinaconex.
Đứng đầu liên danh Vietur là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas, nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm thi công nhiều sân bay quốc tế lớn.
IC Ictas Insaat (IC Ictas Construction) là một phần của IC İbrahim Cecen Investment Holding, thành lập năm 1969. Công ty hoạt động trong ngành xây dựng, sản xuất và phân phối năng lượng, du lịch, công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Công ty từng thi công các công trình sân bay, cảng biển, bến du thuyền, tàu cao tốc, cầu đường, nhà máy điện công suất lớn, trung tâm thương mại, công trình du lịch, hệ thống thủy lợi, công trình công cộng, dự án nhà ở tập thể, cơ sở y tế, trường đại học và trường học. Bên cạnh đó, IC Ictas Insaat còn tham gia vào lĩnh vực quản lý sân bay, cảng biển và bến du thuyền cũng như sản xuất và phân phối điện. Trong lĩnh vực thi công hạ tầng sân bay, IC Ictas Insaat nổi tiếng với những dự án như sân bay quốc tế King Khaled, sân bay Pulkovo, sân bay Ordu Giresun, cải tạo sân bay quốc tế Atalya, sân bay Varna và Burgas, dự án trung tâm điều khiển không gian thông tin tại trung tâm kiểm soát hàng không, nhà ga sân bay quốc tế Adnan Menderes…
Dự án sân bay quốc tế King Khaled đang thực hiện nhằm chuyển đổi nhà ga số 3 từ ga nội địa thành nhà ga quốc tế
Cải tạo sân bay quốc tế Atalya
Sân bay Ordu Giresun
Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Adnan Menderes
Bên cạnh ông lớn ngoại đứng đầu liên danh, danh sách còn lại là 8 doanh nghiệp tầm cỡ trong ngành xây dựng và cơ điện tại Việt Nam, trong đó có đến 4 đơn vị thuộc top 10 doanh nghiệp xây dụng lớn nhất Việt Nam 2023 (theo Vietnam Report).
Thứ hạng các doanh nghiệp của liên danh Vietur theo Vietnam Report
Đầu tiên là CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, thành lập ngày 27/10/2004, với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia. Ricons hiện do ông Nguyễn Sỹ Công làm Chủ tịch HĐQT, ông Trần Quang Quân là Tổng Giám đốc. Tính đến cuối năm 2022, công ty có 1,023 nhân sự. Vốn điều lệ hơn 396 tỷ đồng, trong đó sở hữu của nước ngoài chiếm 11.42%.
Một số dự án lớn Ricons thầu như The Manor Central park 1 và 2 – Hà Nội, dự án SLP – Hải Phòng, The River Thủ Thiêm, Celadon A5 Diamond Brilliant, Imperia Smart City…
* Coteccons lên tiếng về việc Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (UPCoM: CC1) ra đời vào năm 1979, trên cơ sở Hội đồng Chính phủ hợp nhất các tổ chức sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ Xây dựng thành Tổng công ty Xây dựng số 1 gồm: Công ty xây dựng số 8, Công ty xây dựng số 10, Công ty phát triển đô thị và khu công nghiệp và giao Bộ Xây dựng là cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
Năm 2016, Công ty tái cấu trúc thành công ty cổ phần và IPO. Ngày 20/07/2017, cổ phiếu CC1 giao dịch lần đầu trên UPCoM.
CC1 có vốn điều lệ hơn 3,289 tỷ đồng, trong đó nước ngoài chỉ nắm 0.01%. Tính đến cuối năm 2022, Công ty chỉ có một cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Huấn, nắm 11.023%.
Trong gần 44 năm thành lập và phát triển, CC1 hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực gồm xây dựng, kinh doanh bất động sản, đầu tư, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Một số dự án xây dựng nổi bật của CC1 như cầu Thủ Thiêm, nhiệt điện Nghi Sơn 1, bệnh viện nhi đồng TPHCM.
Ngoài ra, CC1 đang xây lắp nhiều dự án khác như nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, Vân Phong 1; tổ hợp hóa dầu Long Sơn; nhà máy dệt Nam Định; khu đô thị như King Crown Infinity, The Habitat Bình Dương phase 3, Dream City Hưng Yên… Năm qua, CC1 đã cùng các đối tác trong liên danh trúng thầu 2 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang với giá trị hơn 7,555 tỷ đồng và đoạn Vân Phong – Chí Thạnh với giá trị 7,823 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons thành lập ngày 23/10/2003 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C. Hiện Công ty do ông Trầm Kim Long làm Chủ tịch HĐQT, ông Võ Thành Liêm làm Tổng Giám đốc.
Theo cập nhật thông tin doanh nghiệp gần nhất, Newtecons có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, không có cổ đông nước ngoài. Dù không có tên trong danh sách lãnh đạo công khai của Newtecons, song ông Nguyễn Bá Dương được biết đến là Chủ tịch sáng lập (từng sở hữu 49% vốn) và có mặt trong hầu hết sự kiện quan trọng của Newtecons.
Trong năm 2022, Newtecons đánh dấu 5 năm tăng trưởng liên tiếp, doanh thu trên 11,000 tỷ đồng. Công ty là tổng thầu của một số dự án như Masteri Thảo Điền CT5, Asiana Đà Nẵng, The Sóng, Techcombank Saigon Tower, nhà thầu phụ trong dự án công nghiệp như Kyocera, tổng thầu thi công PaiHong, Logos Bac Ninh Logistics Warehouse…
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) được thành lập vào năm 1988 theo quyết định của Bộ Xây dựng với tên ban đầu là Công ty Dịch vụ và Xây dựng Nước ngoài. Năm 1991, Công ty được đổi tên thành Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do Nhà nước giữ cổ phần chi phối từ năm 2006. Năm 2008, Vinaconex niêm yết trên sàn HNX với mã VCG. Năm 2018, Nhà nước hoàn tất thoái toàn bộ vốn, qua đó VCG trở thành doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước. Năm 2020, VCG chuyển sàn niêm yết qua HOSE.
Vốn điều lệ của VCG hiện đạt gần 5,345 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 5.53%. CTCP Đầu tư Pacific Holdings là công ty mẹ nắm 62.9% vốn VCG. Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT VCG cũng là cổ đông sáng lập của Đầu tư Pacific Holdings, còn Công ty TNHH An Quý Hưng, doanh nghiệp tổng thầu xây dựng nắm hơn 99,9% vốn Đầu tư Pacific Holdings. Ông chủ của An Quý Hưng là ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng Giám đốc VCG.
VCG hoạt động chủ yếu trong 3 lĩnh vực gồm xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính với 20 công ty có vốn góp chi phối và 11 công ty liên kết/đầu tư tài chính. Trong đó, xây dựng là mảng hoạt động đáng chú ý nhất của VCG với một số công trình trọng điểm như đại lộ Thăng Long, sân vận động Mỹ Đình, công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Buôn Kuốp, thủy điện Buôn Tua Srah, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Bảo tàng Hà Nội, cầu Bãi Cháy, Trung tâm Hội nghị quốc gia… VCG từng cùng Tập đoàn Taisei (Nhật Bản) liên danh thắng thầu quốc tế dự án Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài.
CTCP Kết cấu Thép ATAD thành lập vào năm 2004, chuyên cung cấp giải pháp trọn gói gồm tư vấn, thiết kế, sản xuất và lắp dựng sản phẩm kết cấu thép.
Ông Huỳnh Ngọc Đông – Chủ tịch HĐQT (trái) và ông Nguyễn Lê Anh Tuấn – Tổng Giám đốc ATAD
Tháng 01/2015, ATAD tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, có 4 cổ đông gồm ông Nguyễn Lê Anh Tuấn (giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) và ông Huỳnh Ngọc Đông (giữ chức Chủ tịch HĐQT) đều sở hữu 49.5%; bà Trương Thị Như Ánh 0.5% và bà Đinh Thị Thanh Thuyên 0.5%. Tháng 07/2021, ATAD tăng vốn lên 400 tỷ đồng và xuất hiện cổ đông ngoại là Kanematsu Corporation (Nhật Bản), sở hữu 25% vốn.
Theo ATDA giới thiệu, Công ty đã thực hiện hơn 3,000 dự án kết cấu thép tại 35 quốc gia trên thế giới, có 2 nhà máy sản xuất kết cấu thép ở Long An và Đồng Nai với tổng diện tích 211,000m2 và năng suất 12 ngàn tấn kết cấu thép/tháng.
ATAD cung cấp kết cấu thép cho một số dự án như nhà máy Vinfast Hải Phòng, tổ hợp sản xuất thép Hòa Phát – Dung Quất, sân bay quốc tế Cam Ranh, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, sân bay Phú Quốc, sân bay quốc tế Wattay (Lào), nhà ga T2 sân bay quốc tế Phú Bài, nhà ga cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, metro TPHCM, nhà máy bia Heineken Việt Nam, nhà máy thép JFE Meranti (Myanmar), trung tâm kho vận Lazada (Indonesia, Philippines), trung tâm thương mại Metro Ayala (Phillipines), nhà kho lớn nhất Sri Lanka – Camso Loadstar, nhà máy sản xuất thuốc lá Tobacco (Philippines), nhà máy nhiệt điện Dangote Industries (Tazania), nhà máy nhiệt điện Matarbari (Bangladesh)…
Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (UPCoM: HAN) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, thành lập ngày 11/12/1982 trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về Tổng công ty gồm: Công ty Xây dựng số 1, Công ty Xây dựng số 3, Công ty Xây dựng số 11, Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội, Xí nghiệp Một Bạch Đằng. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng, thi công lắp đặt, bất động sản.
Ngày 15/08/2014, Tổng Công ty chuyển đổi sang CTCP với số vốn điều lệ hơn 1,410 tỷ đồng. Tháng 10/2016, HAN giao dịch trên UPCoM.
Công ty giữ nguyên vốn điều lệ cho đến nay. Tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tính đến tháng 3 năm nay chỉ chiếm 0.005%, Bộ Xây Dựng là cổ đông lớn nhất, nắm 98.83% vốn. Ông Đậu Văn Diện giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đỗ Quý giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Với cổ phần do Nhà nước nắm chi phối, HAN được Nhà nước giao thi xông xây lắp nhiều công trình quan trọng có ý nghĩa về chính trị, quân sự, kinh tế, quốc phòng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Nhà hát lớn TP. Hà Nội, Trung tâm hội nghị Quốc gia; Trung tâm báo chí quốc tế, Văn phòng Trung ương Đảng, nhà làm việc các cơ quan và Văn phòng Quốc hội, nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới, trụ sở Bộ Tài chính, bệnh viện nhi Trung ương, bệnh viện sản nhi Long An, bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, kho bạc tỉnh Khánh Hòa, kho bạc Nhà nước Hà Nội…
CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C tiền thân là CTCP Vật liệu & Giải pháp S.M.A.R.T, thành lập năm 2015. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.
Vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập là ông Huỳnh Nhật Minh (em rể ông Nguyễn Bá Dương, giữ chức Tổng Giám đốc) nắm 70%, ông Nguyễn Xuân Đạo nắm 29.9% và bà Phạm Thị Thu Huyền giữ 0.1%. Tháng 04/2022, Công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, vốn điều lệ 305 tỷ đồng và toàn bộ là vốn tư nhân trong nước.
Website SOL E&C giới thiệu ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch sáng lập, ông Ngô Thanh Phong là Chủ tịch HĐQT, ông Lê Chí Trung là Tổng Giám đốc. Trong năm 2022, SOL E&C đạt doanh thu hơn 4,500 tỷ đồng với 500 cán bộ nhân viên.
Mới đây, SOL E&C cùng Newtecons tham gia thi công dự án Cainiao Dong Nai Smart Logistics Park tại khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai của Cainiao Network (thành viên của Tập đoàn Alibaba). Tại dự án này, SOL E&C cùng Newtecons đảm nhận vai trò tổng thầu thiết kế và thi công (design & build) với giá trị gói thầu gần 700 tỷ đồng và thời gian bàn giao dự kiến vào cuối năm 2023.
CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) được thành lập năm 2001 với tên ban đầu là Công ty TNHH Xây dựng Phục Hưng. Năm 2003, Công ty gia nhập hệ sinh thái của Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings, HNX: CTX) theo quyết định của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2008, Công ty rời hệ sinh thái của CTX và sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu riêng.
Công ty hoạt động xoay quanh ba mảng kinh doanh chính gồm xây dựng dân dụng và công nghiệp, bất động sản và thủy điện và năng lượng tái tạo, trải dài khắp các tỉnh trên cả nước. Trong xây dựng, PHC là tổng thầu thi công 5 dự án gồm Florence Tower, The Zen Residence, IA20, Golden Land Buildings Hà Nội và Kenton Node TPHCM.
Năm 2022, PHC xây lắp một số dự án như khu căn hộ Thủy Tiên Sky Villas – Ecopark, khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường (21 tầng), tổ hợp nhà cao tầng HH2 – Gamuda City, nhà máy thủy điện Nậm Núa 2 và Imperia Smart City.
Sau hơn 20 năm hoạt động, vốn điều lệ PHC đạt 506.8 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của nước ngoài là 1.22%. Công ty có duy nhất một cổ đông lớn nắm sở hữu 11.66% là Chủ tịch HĐQT Cao Tùng Lâm.
Nữ tướng Nguyễn Thị Hải Yến – Tổng giám đốc Hawee M&E (ngoài cùng bên trái)
CTCP Hawee Cơ điện được thành lập vào năm 2004 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thiết bị Điện nước Hà Nội, ngành nghề kinh doanh chính là lắp đặt hệ thống điện.
Doanh nghiệp ban đầu có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do 2 cổ đông sáng lập gồm ông Trịnh Văn Hà (Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) góp 70% và bà Lê Thu Hằng góp 30%. Công ty đổi tên thành CTCP Hawee Cơ điện như hiện nay vào tháng 07/2015.
Cập nhật tới tháng 03/2023, Hawee có vốn điều lệ 300 tỷ đồng; trong đó, có cổ đông ngoại là Toenec Corporation (Nhật Bản) nắm 40%. Bà Nguyễn Thị Hải Yến giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Hawee.
Với 18 năm kinh nghiệm, Hawee thi công một số hạng mục điện nước của một số dự án như Masteri Centrepoint, Wyndham Ocean Dragon Hải Phòng, The Metropole Thủ Thiêm, InterContinental Phu Quoc, Hyatt Regency Ho Tram Resort and Spa, nhà máy gia công chế tạo cơ khí Anmi Tools, nhà máy Tân Á Hưng Yên, nhà máy Hawee, nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 01, metro số 3 Hà Nội, nhà ga hàng hóa mở rộng T1 Nội Bài… Một số dự án ở nước ngoài của cổ đông Nhật như Sân bay quốc tế Chubu (Nhật Bản), nhà máy điện tử Rohm (Philippines), nhà máy Khao Hefei (Trung Quốc), nhà máy Kyocera Đài Loan (Trung Quốc)…
Một số chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp trong liên danh
Nguồn: VietstockFinance
Thanh Tú – Hà Lễ
Thiết kế: TM