Hệ thống này do Bộ NN-PTNT và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đang triển khai thí điểm trên trái thanh long được trồng tại Bình Thuận, lần đầu tiên giới thiệu tại Hội nghị chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững, diễn ra ngày 17.8, tại Hà Nội.
Hệ thống này giúp người tiêu dùng trong nước và các nước nhập khẩu khi mua trái thanh long được trồng tại Bình Thuận có thể quét mã QR truy xuất nguồn gốc để biết rõ lượng khí carbon trong từng công đoạn sản xuất, biết được mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường của loại trái cây này.
Trong hệ thống này, các thiết bị thông minh lắp đặt tại vườn trồng sẽ tự động đo lường phát thải khí carbon và cập nhật lên không gian mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực.
Đặc biệt, công nghệ này còn phân tích để đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất. Cụ thể, nếu vườn trồng chuyển đổi sử dụng điện chiếu sáng từ bóng compact sang đèn led sẽ giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng.
Ngoài ra, nếu trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, khoảng trống trong vườn sẽ giúp hấp thu đáng kể lượng khí carbon do cây thanh long thải ra. Theo ước tính, nếu vườn trồng 100 – 300 cây thân gỗ/ha sẽ hấp thụ được 0,9 – 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20 – 45% lượng phát thải.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT và UNDP, hiện đã có 99 vườn trồng thanh long tại 4 đơn vị ở tỉnh Bình Thuận gồm: HTX Thanh long Hòa Lệ, HTX Hàm Minh, HTX Thuận Tiến, Công ty Phúc Hà đã được cấp tài khoản tham gia hệ thống truy xuất carbon.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho rằng, hệ thống này là sản phẩm tiêu biểu cho thấy lợi ích của chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống sản xuất, đặc biệt là người nông dân.
“Chuyển đổi số là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất”, ông Trung nói.
Còn theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, sau tôm, thanh long là nông sản thứ hai của Việt Nam ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu có yêu cầu và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm tuân thủ các chuẩn mực “xanh”, tiêu chuẩn “xanh” trong quá trình sản xuất.
Ông Patrick Haverman cũng khuyến nghị Bộ NN-PTNT cần hỗ trợ nông dân nhiều hơn trong đổi mới sáng tạo quy trình sản xuất góp phần giảm phát thải, để xuất khẩu nông sản đến các thị trường xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và chống chịu tốt với biến đổi khí hậu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thế hệ tương lai, phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.