Lãi suất tiết kiệm đi xuống, lãi vay vẫn cao
Ngày 19.6, trần lãi suất (LS) huy động kỳ hạn dưới 6 tháng chính thức giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm. Trong đợt giảm LS lần này, các ngân hàng (NH) chủ động điều chỉnh giảm từ 0,1 – 0,5%/năm LS huy động trước ngày hiệu lực thi hành thay vì chờ tới ngày mới áp dụng. Theo đó, VIB huy động LS kỳ hạn từ 2 – 5 tháng ở mức 4,75%/năm; 7 – 8 tháng ở mức 7,3%/năm; mức LS cao nhất là 7,5%/năm ở kỳ hạn 15 tháng trở lên. ABBANK huy động tiết kiệm kỳ hạn từ 2 – 5 tháng với LS 4,75%/năm; 6 – 7 tháng lên 7,5%/năm; 10 – 12 tháng lên 7,6%/năm; 15 – 60 tháng lên 7,9%/năm. Điểm đặc biệt của NH này ở kỳ hạn 13 tháng LS lên đến 11,2%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi nhỏ hơn 1.500 tỉ đồng, đối với tiền gửi trên mức này thực hiện theo quy định của ABBANK từng thời kỳ.
Techcombank sẽ chính thức áp dụng mức LS giảm từ ngày 19.6 đối với kỳ hạn 1 – 5 tháng xuống còn 4,75%/năm; từ 6 tháng trở lên có mức LS là 6,9%/năm. Ngày 19.6, Sacombank cũng giảm LS huy động tiết kiệm 1 tháng xuống còn 4,5%/năm; 2 tháng còn 4,6%/năm; 3 tháng còn 4,7%/năm; 4 – 5 tháng còn 4,75%/năm; 6 tháng ở mức 6,4%/năm; 12 tháng 7%/năm và mức cao nhất là 7,25%/năm ở kỳ hạn 36 tháng… Bảng LS huy động tiết kiệm tiền đồng của các NH là ở kỳ hạn 6 tháng trở lên vọt tăng cao hơn kỳ hạn dưới 6 tháng (áp trần lãi huy động tối đa 4,75%/năm) từ 2 – 3%/năm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức LS điều hành với tổng mức giảm 0,5 – 2 %/năm. Thế nhưng 3 lần giảm LS điều hành trước đó, các NH giảm LS cho vay một cách nhỏ giọt. LS cho vay đối với doanh nghiệp hiện nay trung bình quanh mức 9 – 10%/năm; khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà đất có mức LS ưu đãi mấy tháng đầu từ 8 – 10%/năm; còn lại đa số các khoản vay dao động từ 10 – 15%/năm. Tốc độ giảm LS cho vay không theo kịp huy động. Vì thế với lần giảm này, thị trường cũng còn nhiều hoài nghi.
Biến tướng huy động, lãi vay khó xuống
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc giảm LS điều hành phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống NH. Còn muốn giảm LS cho vay xuống cần chờ vào sự đồng pha của các NH trong thanh khoản trung dài hạn. Hiện nay, chỉ có NH lớn (big 4) là có điều kiện giảm LS, trong đó có cả LS cho vay, còn những NH khác thì khá chật vật trong việc điều chỉnh giảm LS, dẫn đến phải đi đêm, lách trần khá phổ biến trên thị trường. Vì thế chi phí vốn cao, khó có thể giảm LS cho vay.
Đó là thực trạng đang diễn ra trên thị trường. Mới đây, chị N.H (Q.3, TP.HCM) nhận được tin nhắn của nhân viên NH Phương Đông mời chào gửi tiết kiệm 6 tháng LS 8,1%/năm, đó là chưa kể gửi 1 tỉ đồng còn nhận được thêm tiền mặt 600.000 đồng (tương ứng 0,06%). Đây chỉ là một trong số những NH tặng tiền mặt cho khách hàng gửi tiền bên cạnh LS cao. Có NH gửi 50 triệu đồng mà được tặng tiền lên 900.000 đồng. Một cách biến tướng khác thu hút nguồn vốn huy động “lách” LS cao là khách hàng gửi tiết kiệm số tiền lớn lên hàng tỉ đồng, kỳ hạn 6 tháng, LS 8%/năm. Phần tiền lãi phát sinh lên vài trăm triệu đồng từ cuốn sổ tiết kiệm này sẽ được mở thành một sổ tiết kiệm phụ, LS cũng tương đương mức LS 8%/năm. Như vậy, thực tế LS mà NH trả cho khách hàng cao hơn 8%/năm, lên khoảng 8,4%/năm.
Tình trạng chuyển nhượng lại sổ tiết kiệm cũng diễn ra nhiều hơn, từ đó lộ diện các NH huy động LS cao. Trên một diễn đàn NH, một người ở Hà Nội rao chuyển nhượng lại sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng, đến hạn vào ngày 17.1.2024 với LS 12,5%/năm; 1 sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng, đáo hạn vào ngày 16.1.2024 với LS 11%/năm. Thông thường, khách hàng gửi tiết kiệm sẽ được cầm cố sổ tại NH khi cần tiền, LS vay cầm cố bằng LS huy động cộng thêm biên độ từ 2 – 3% tùy theo NH. Thế nhưng trong trường hợp người gửi tiền không muốn vay hoặc NH không nhận cầm cố sổ tiết kiệm, người gửi tiền có thể nhượng lại sổ cho người khác. Nhất là hiện nay, LS huy động tiết kiệm đang giảm nhanh nên những sổ tiết kiệm LS từ 11 – 12,5%/năm có thể thương lượng mức LS cao hơn không kỳ hạn 0,1 – 0,5%/năm mà NH trả cho người gửi tiền (vào khoảng 5%).
Thời điểm cuối quý 2, đầu quý 3 cũng là lúc các khoản tiền gửi LS cao hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến lúc đáo hạn. Dự báo các NH sẽ có những hành động để giữ được nguồn tiền gửi này ở lại bởi mặt bằng LS tiết kiệm hiện nay đã giảm khá mạnh, dòng tiền khả năng chuyển qua các kênh khác.
Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng NHNN giảm LS tái cấp vốn, LS liên NH cũng giảm xuống thấp nhưng không phải NH nào cũng tiếp cận được vốn rẻ mới dẫn đến việc huy động bên ngoài lách đủ kiểu như vậy. Muốn LS đi xuống, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp cần giải quyết tại một số NH. Ở đây, cơ quan chức năng có thể cho phép Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua lại trái phiếu doanh nghiệp của một số NH có tài sản đảm bảo, an toàn… để từ đó khoanh lại và xử lý.
TS Nguyễn Đức Độ, Viện trưởng Học viện Tài chính, nhận định cũng như 3 lần LS điều hành đi xuống trước đó, không nên quá kỳ vọng LS lần này sẽ giảm sâu. Nó chỉ có thể sẽ giảm từ từ, phụ thuộc vào tình hình của các NH, đặc biệt LS cho vay khó đi xuống nhanh.
TS Nguyễn Đức Độ phân tích: Gói hỗ trợ LS 2% được đánh giá là mạnh nhất trên thị trường từ trước đến nay mà không tháo ra được, không đẩy nhanh cho vay được là điều đáng tiếc trong bối cảnh khách hàng cần vốn rẻ như hiện nay. LS vay hiện nay cần phải kéo giảm hơn nữa, chứ với mức 9 – 10%/năm đối với khu vực doanh nghiệp, trên 10% đối với cá nhân thì khó có thể thúc đẩy được nhu cầu trên thị trường.