Ngày 8-4, thông tin tại buổi gặp gỡ, trao đổi giữa Sở Công Thương TP HCM với các hội ngành nghề, doanh nghiệp Thành phố về các khó khăn, tác động khi Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết hội đã báo cáo đến Chính phủ, các bộ ngành và kiến nghị về thuế đối ứng của Mỹ.
Theo ông Phương, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng vượt trội với kim ngạch xuất khẩu đạt 16,25 tỉ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Việc Mỹ quyết định áp mức thuế đối ứng lên đến 46% đã gây ra hoang mang và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp ngành gỗ.
Trước tình hình đó, HAWA kiến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ thúc đẩy đàm phán nhanh chóng và mạnh mẽ với Mỹ để tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai nước; giảm tối đa mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng cho Việt Nam; xem xét các chính sách thuế đối ứng theo hướng công bằng và hợp lý đồng thời có lộ trình giảm thuế hợp lý.
Hội ngành nghề này cũng kiến nghị có kênh cung cấp thông tin chính thống, nhanh chóng cho doanh nghiệp; tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về các biện pháp ứng phó với thuế đối ứng. tư vấn pháp lý và thương mại cho những đơn hàng chưa giao để bảo vệ quyền lợi, giảm rủi ro… Cung cấp hỗ trợ tài chính: các gói vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhanh chóng cho các đơn hàng bị ảnh hưởng.

Sở Công Thương gặp gỡ, trao đổi với các hội ngành nghề, doanh nghiệp về thuế đối ứng của Mỹ
Về giải pháp cân bằng thương mại với Mỹ, ngoài việc khuyến khích tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ, HAWA đề xuất xem xét sáng kiến thực hiện mẫu CO – Mỹ để quản lý và có chính sách thuế đặc biệt 0% cho những sản phẩm sử dụng 50% gỗ nhập khẩu từ Mỹ để sản xuất ra thành phẩm và xuất khẩu trở lại Mỹ.
Về trung hạn thì tăng cường hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu .
HAWA cũng kiến nghị tăng cường kiểm soát xuất xứ thông qua việc cam kết điều tra và hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng thông qua việc xây dựng cấu trúc chính sách FDI.
Giải pháp trong dài hạn là tái cấu trúc ngành hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Cũng tại buổi gặp mặt, các hội ngành nghề, doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến đa chiều nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, bao gồm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh đầu tư công, gia tăng công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng…
Các doanh nghiệp nhấn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, không còn sự lựa chọn nào khác, Việt Nam phải bình tĩnh đối mặt với tình hình mới. Các doanh nghiệp bằng nỗ lực của mình phải tìm ra giải pháp thông minh, linh hoạt và phù hợp với cuộc chơi mới.