Theo đánh giá, 2 nghị quyết này đang mở ra cơ hội rất lớn cho tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đặt ra yêu cầu chính quyền tỉnh cần rất nhiều nỗ lực thời gian tới để thực hiện có hiệu quả.
Hướng đến quy hoạch đột phá, chiến lược
Ngày 28.1.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang ra sức nỗ lực, đặt quyết tâm bứt phá, phát triển toàn diện theo tinh thần Nghị quyết đã đề ra.
Quan điểm Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị là xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2030, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây nguyên và khu vực duyên hải nam Trung bộ. Đây được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa và cả nước.
Trên cơ sở đó, ngày 23.2.2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa; quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của tỉnh Khánh Hòa theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra.
Chương trình hành động đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và xây dựng giải pháp thực hiện có tính khả thi cao để triển khai có hiệu quả Nghị quyết. Trong đó, Khánh Hòa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc T.Ư; Xây dựng và thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp; Phát triển đô thị theo định hướng thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế…
Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tỉnh tập trung và hoàn thành sớm công tác quy hoạch bám theo định hướng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và luật Quy hoạch. Theo Thủ tướng, quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch đi trước một bước, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; tạo ra cơ hội mới để thu hút nguồn lực; tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh Khánh Hòa cần rà soát, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài.
Nói về việc thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho rằng Khánh Hòa có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, không những ở tầm địa phương trong nước mà còn với ý nghĩa là tọa độ phát triển của quốc gia, trong mối so sánh khu vực và quốc tế. Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa, còn rất cần chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp của T.Ư, góp phần đưa Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa
Ngày 16.6.2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 11 cơ chế, chính sách cho Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách; quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Theo tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 55 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2022, thời hạn 5 năm. Hiện địa phương đã chuẩn bị sẵn kế hoạch triển khai và trong tháng 4.2023 vừa qua, Khánh Hòa đã tổ chức lễ công bố các quy hoạch và kêu gọi xúc tiến đầu tư. Cụ thể, trong năm 2023, Khánh Hòa sẽ công bố 4 quy hoạch lớn của tỉnh. Trong đó, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ thông qua. Hiện Khánh Hòa đang nỗ lực hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 và quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm (H.Cam Lâm) đến năm 2045. Hiện 2 quy hoạch này đã được trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định, dự kiến sẽ được công bố trong năm 2023.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55, UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 6524/KH-UBND ngày 15.7.2022 triển khai thực hiện Nghị quyết. Kế hoạch này đã xác định nhiệm vụ cụ thể để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện và tham mưu các nhiệm vụ cụ thể, xác định thời hạn hoàn thành và kết quả, sản phẩm. Với nỗ lực và quyết tâm cao, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện, hoàn thành xong các văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù (HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 2 quyết định); đồng thời phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tham mưu một số quyết định quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tham mưu khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các quyết định của UBND tỉnh làm cơ sở triển khai thực hiện các chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55. Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của T.Ư, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư liên quan để sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện (gồm Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa).
Lấy lại niềm tin của doanh nghiệp
Năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Khánh Hòa có nhiều khởi sắc trong các lĩnh vực, góp phần hoàn thành kế hoạch các nhiệm vụ của tỉnh. Mặt khác, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc tiếp thu kiến nghị, giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực kế hoạch – đầu tư nói riêng chưa thực sự hiệu quả; nhiều vướng mắc, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư dự án ngoài ngân sách, xử lý kéo dài; một số vụ việc liên quan nhiều cơ quan khác nhau nhưng cơ chế, nội dung phối hợp giải quyết chưa thống nhất, kịp thời, gây mất niềm tin của doanh nghiệp.
Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khơi thông các nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hội nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập trung khắc phục những tồn tại, thiếu sót, đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng phát triển kinh tế của doanh nghiệp và địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong năm 2023, sau khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vào tháng 4.2023, tỉnh Khánh Hòa tập trung đánh giá phân tích các chỉ số PCI của tỉnh; ban hành chương trình hành động nâng cao PCI năm 2023. Tỉnh Khánh Hòa giao trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ban ngành và địa phương phải tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (trước khi UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp theo định kỳ) thuộc lĩnh vực sở, ngành mình đang phụ trách để kịp thời giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nếu những khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của địa phương, ngành mình phụ trách mà không giải quyết thì tỉnh sẽ phê bình, kiểm điểm người đứng đầu đơn vị. Tổ chức các chương trình cà phê doanh nhân nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thông tin các chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6.10.2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 10562/KH-UBND ngày 31.10.2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương khắc phục hạn chế, thiếu sót, tồn tại, vi phạm được phát hiện qua kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa năm 2023 theo Quyết định số 3604/QĐ-UBND ngày 28.12.2022.
Từ những công việc cụ thể nêu trên, cho thấy tinh thần vì doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với mục tiêu phát triển kinh tế đảm bảo phát huy các giá trị văn hóa, công bằng xã hội. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khẳng định sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh theo định hướng “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công chung của tỉnh”, đồng thời lấy lại niềm tin của doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư tại Khánh Hòa trong thời gian tới.
Tại Văn bản số 826/VPCP-QHĐP ngày 9.2.2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho tỉnh Khánh Hòa.