HoREA đề nghị các doanh nghiệp bất động sản giảm giá nhà
Để hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc “phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm”, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận.
Trước hết, HoREA nhận định hầu như tất cả các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đều đã được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét, giải quyết ở cả 3 cấp: một là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật nhằm xây dựng thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững và tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng; hai là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của các văn bản dưới Luật; ba là, đã bước đầu tháo gỡ được một số vướng mắc, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật của các địa phương, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, HoREA cho rằng doanh nghiệp bất động sản tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu “phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm” thì các doanh nghiệp bất động sản “đến nay chưa được triển khai tích cực”.
Theo đó, để đảo ngược mô hình thị trường nhà ở như “kim tự tháp lộn ngược” về lại mô hình “kim tự tháp” cân đối, hài hòa, bền vững, Hiệp hội cho rằng phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở trung cấp phải là phân khúc nhà ở chủ đạo của thị trường. Trong đó, các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải là chủ thể có trách nhiệm trực tiếp.
Câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản cần phải được các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản trả lời ngay bằng hành động cụ thể trong việc cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hiệp hội nhận thấy số doanh nghiệp có sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường trong 3 năm qua không nhiều, như tại TPHCM năm 2021 chỉ có 20 doanh nghiệp, năm 2022 chỉ có 25 doanh nghiệp. Riêng 9 tháng đầu năm 2023 chỉ có 13 doanh nghiệp có sản phẩm đưa ra thị trường với tổng cộng 15,020 căn hộ, trong đó có đến 9,969 căn hộ cao cấp chiếm đến 66.37%, phần còn lại là 5,051 căn hộ trung cấp và không có căn hộ giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân.
Nhìn chung, số dự án và sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường từ năm 2020 đến nay đã có sự sụt giảm rất lớn so với năm 2017, năm phát triển cao nhất trong 10 năm gần đây có đến 92 dự án với 42,991 căn hộ được đưa ra thị trường.
Do thị trường bất động sản hiện nay đang rất thiếu loại nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, thậm chí như tại TPHCM đã “vắng bóng” loại nhà ở bình dân trong 3 năm gần đây, nên vấn đề cấp bách là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tập trung tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” để tăng nguồn cung dự án nhà ở để tăng nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội phù hợp với thu nhập của người dân và tăng tính cạnh tranh để giảm giá nhà theo quy luật thị trường.
Đối với các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp thì đã có một số doanh nghiệp chủ đầu tư đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm giá chưa đáng kể, chủ yếu là các chủ đầu tư thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng để “cố neo giữ giá”, bởi lẽ chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công, chi phí tài chính, chi phí quản lý đều tăng và có cả “chi phí không tên”.
Tóm lại, HoREA đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không “neo giữ giá cao”, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng trên thị trường bất động sản để tăng “niềm tin thị trường”, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp theo kinh nghiệm của ông bà ta là “thà bán lỗ còn hơn vay lời”.
Đồng thời, các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia thực hiện “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” để có thể tiếp cận gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1.5-2% so với lãi suất thương mại thông thường, nhất là đối với các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã đăng ký tham gia chương trình này.
Một phương án khác là các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tham gia thực hiện các chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch, chương trình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ lụp xụp tại các địa phương, nhất là tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Hà Lễ