Phát biểu trong phiên thảo luận tại Diễn đàn “Ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số năm 2024” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 6/11, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam nhận định: “Mức độ lan tỏa, tiếp cận của người dân và các doanh nghiệp Việt Nam với các nền tảng thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong một số năm trở lại đây”.
NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐÁNG GHI NHẬN
Theo ông Thanh, trong năm nay, làn sóng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử không chỉ dừng ở doanh nghiệp, mà đã đi sâu xuống từng cá nhân, người lao động. Nhiều người đã có thể sống bằng thu nhập từ các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử. Nhờ vào sự phát triển của làn sóng chuyển đổi số và tiếp cận công nghệ, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có trên 3,7 triệu cá nhân và tổ chức kiếm sống bằng thu nhập từ các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử.
Nhận xét về khả năng tiếp cận các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương, cho biết những thay đổi tích cực từ quản lý nhà nước, cách thức vận hành doanh nghiệp đến thói quen tiêu dùng của người dân thông qua thương mại điện tử đã đánh dấu bước tiến đáng ghi nhận của chuyển đổi số và thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo báo cáo tại Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số diễn ra vào tháng 7/2024, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đã đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và trên thế giới.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển R&D, trí tuệ nhân tạo …
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.
“Một thực tế rất rõ là thương mại điện tử hiện không chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh, thành phố xa xôi, năng lực giao hàng của các công ty chuyển phát đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Nhận xét về xu hướng ứng dụng thương mại điện tử để gia tăng kết nối kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại của Shopee Việt Nam, cho biết trong năm 2024 đã có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập các sàn thương mại, nhắm đến đối tượng có thể hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử đã cử các đội hỗ trợ về từng địa phương để giúp người nông dân, các cá nhân cũng như doanh nghiệp tham gia và vận hành gian hàng điện tử của riêng mình.
Nhờ vào những chương trình hỗ trợ trên mà nhiều doanh nghiệp đã ra tăng đáng kể doanh thu. Nhiều doanh nghiệp còn được hưởng lợi hơn nữa khi các sản phẩm được xuất khẩu đi nước ngoài nhờ vào các sàn thương mại điện tử.
Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2024, Shopee Việt Nam đã hỗ trợ 400 doanh nghiệp gia nhập vào sàn thương mại điện tử Shopee Choice của doanh nghiệp, đạt gần một nửa trong mục tiêu đưa 1.000 doanh nghiệp gia nhập sàn thương mại của công ty vào năm nay.
Trong khi đó, TikTok Việt Nam, thông qua các chương trình hỗ trợ trong gần 6 tháng đã đào tạo tư vấn cho hơn 6.500 doanh nghiệp và đưa được hơn 70.000 sản phẩm của Việt Nam lên sàn thương mại điện tử này.
VẪN CÒN NHỮNG THÁCH THỨC
Nhấn mạnh đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trước những đối thủ nước ngoài thông qua các sàn thương mại điện tử là nhu cầu cần thiết và đã thu được một số kết quả, song ông Hà cho rằng những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử vẫn gặp phải một số hạn chế.
Thứ nhất, chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, dù đã nhận được sự trợ giúp vẫn chưa có khả năng tiếp cận công nghệ tốt.
Thứ hai, trước khi nghĩ đến “tốt nước sơn” bằng việc quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, thì sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần phải “tốt gỗ” để có khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, sau khi những sàn thương mại điện tử rút đội ngũ hỗ trợ về khi kết thúc các chương trình tập huấn đào tạo, thì doanh nghiệp lại không thể vận hành được gian hàng của mình trên sàn thương mại điện tử.
“Các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù có thế mạnh về sản xuất, nhưng lại gặp khó khăn để thích nghi với những xu hướng thương mại mới nhất để bán sản phẩm của mình”, ông Hà nhấn mạnh.
Để giúp nâng cao được khả năng tận dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia và đại diện sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị.
Theo đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh; liên kết với các người sáng tạo nội dung, những nhà sáng tạo nội dung số nổi tiếng để tăng khả năng quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; tích cực xây dựng khả năng công nghệ thông tin để duy trì và mở rộng được gian hàng điện tử cũng như quản lý hệ thống kho lưu trữ và sản xuất của doanh nghiệp.
Về phía Nhà nước, đại diện các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp kiến nghị, cần phải có những quy định pháp lý cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, đồng thời siết chặt quản lý trên các sàn thương mại điện tử nhằm gia tăng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm được bán trên các nền tảng này.