Tại Chương trình tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” từ 4-6/12, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định trong những năm qua, nhận thức về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
68% DOANH NGHIỆP ĐÃ THỰC HIỆN TỐT TRỤ CỘT “XÃ HỘI”
Theo Báo cáo “Đánh giá mức độ thực hành kinh doanh bền vững của doanh nghiệp Việt Nam theo khung ESG năm 2024” khảo sát trên hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thực hiện tốt nhất ở trụ cột Xã hội (S), tiếp theo là Quản trị (G) và cuối cùng là Môi trường (E), với mức thực hành lần lượt là 68%, 63% và 52%.
“Có thể thấy, việc tích hợp yếu tố Xã hội (S) trong chiến lược ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính”, ông Huy nhận định.
Theo McKinsey, việc giảm thiểu phân biệt giới tính tại các doanh nghiệp có thể giúp GDP toàn cầu đạt mức tăng lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh thực hiện giá trị đa dạng, bao trùm có thể đạt mức tăng trưởng đầu tư cao hơn 35% và tăng trưởng về doanh số bán hàng cao hơn gấp 3 lần.
Nghiên cứu từ Harvard Business School cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp, tổ chức có danh tiếng xã hội tốt sẽ giúp chi phí vốn chủ sở hữu giảm khoảng 2-5%.
Chính vì vậy, trong những năm qua, VBCSD-VCCI đã thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và thực hành yếu tố “S” thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Đơn cử như lồng ghép các yếu tố đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) – công cụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quản trị công ty bền vững…
Ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký VBCSD cho rằng tăng cường thực thi các yếu tố xã hội (S) trong ESG thông qua các dự án kinh doanh chia sẻ giá trị (CSV) là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững.
Theo vị đại diện này, giữa các khái niệm CSV (mô hình kinh doanh chia sẻ giá trị), CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) và ESG (thực hành đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị) có sự khác nhau rõ rệt.
Cụ thể, trong khi CSR chủ yếu tập trung vào các hoạt động thiện nguyện hay tuân thủ quy định, ESG là quản trị doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động quản trị các rủi ro về môi trường và xã hội, tăng cường trách nhiệm giải trình với các cổ đông, nhà đầu tư, thì mô hình CSV lại tập trung vào việc tích hợp lợi ích xã hội vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, tạo ra giá trị xã hội, giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Song theo ông Hải, tại Việt Nam, việc thực hiện CSV của doanh nghiệp hiện đang gặp những thách thức do hạn chế về nhận thức, hạn chế về hạ tầng và nguồn lực, cũng như khung chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng và đủ mạnh.
Để khắc phục những thách thức này, ông Hải khuyến nghị cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về CSV trong cộng đồng doanh nghiệp. Cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ thiết thực và kịp thời hơn, cũng như thúc đẩy các mô hình hợp tác công – tư, hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để nhân rộng mô hình CSV trong tương lai.
TĂNG KỸ NĂNG MỀM CHO PHỤ NỮ
Tăng cường thực thi các yếu tố xã hội (S) trong ESG thông qua các dự án kinh doanh chia sẻ giá trị (CSV) đang được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong thực hiện. Là doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG với những cam kết nhất quán về phát triển bền vững, Nestlé đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm hiện thực hóa các cam kết này.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam cho biết với cách tiếp cận chia sẻ giá trị chung, Nestlé Việt Nam luôn gắn các mục tiêu phát triển kinh doanh với sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng.
Chính vì vậy, trong suốt gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Nestlé không ngừng nỗ lực nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ. Hiện nay tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo trong Nestlé chiếm tới 58%. Không chỉ tại nơi làm việc, các giá trị này còn được Nestlé nhân rộng, nâng cao quyền năng phụ nữ trong toàn chuỗi giá trị. Trong số gần 280 nhóm nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên (dự án Nescafé Plan), có trên 30% trưởng nhóm là nữ giới.
Đặc biệt, thông qua chương trình hợp tác với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” (gọi tắt là chị Nest), đến nay đã có 1.800 mô hình sinh kế được khởi tạo và duy trì, đóng góp vào mục tiêu chung về bình đẳng giới, thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng và bao trùm, không bỏ lại ai ở phía sau tại Việt Nam.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nhấn mạnh, công tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã giúp nhiều phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hóa.
Đơn cử, Chương trình chị Nest đã giúp phụ nữ có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, sự mạnh dạn, tự tin góp phần hiện thực hóa các tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.
Là 1 trong 18 tỉnh thành tham gia sáng kiến “chị Nestlé”, Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ấn tượng. Bà Trần Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, cho rằng chị em phụ nữ có thêm kiến thức về dinh dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin và có cơ hội tiếp cận với khởi nghiệp kinh doanh, tự chủ kinh tế.
Các chị Nest đã biết ứng dụng nền tảng thương mại số để bán hàng như: đăng bài trên facebook, nhóm mua bán, hội phụ huynh học sinh; giới thiệu sản phẩm tại các trạm dừng chân, điểm du lịch của tỉnh… Sử dụng công cụ chuyển đổi số để quản lý thông tin khách hàng.
Từ đó, người phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Bình quân mỗi chị Nest thu nhập từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000/tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.
“Có rất nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ, nhưng nhiều dự án sau khi xong và rút đi thì “mèo lại hoàn mèo”, mọi thứ lại trở về như cũ. Song với các dự án phát triển bền vững như Nestlé, thì đây lại là dự án gắn liền với chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, nên dự án không mang tính chất thiện nguyện mà mang tính dài hơi để tạo tác động”, ông Hưng chia sẻ.