Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán với mức tăng trung bình từ 7% – 25% so với năm trước, tùy theo từng mặt hàng. Những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng được các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua và sản xuất nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân trong những ngày cao điểm tiêu dùng. Các hệ thống phân phối bán lẻ cũng cho biết, năm nay lượng cung hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 15% – 30%.
SỨC MUA ĐANG TĂNG NHANH
Bằng việc chủ động triển khai các chiến dịch khuyến mãi, giảm giá sâu trên những mặt hàng thiết yếu và mang tính truyền thống của mùa Tết, các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực kích thích nhu cầu tiêu dùng, tạo sức hút và mang đến những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, sau gần 2 tuần triển khai chương trình mua sắm tết, 800 điểm bán trên toàn quốc gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… đã đón hơn 10 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm. Yếu tố giúp các điểm mua sắm của hệ thống này hút khách hàng là 3.500 sản phẩm Tết giảm giá từ 50% trở lên. Ngoài ra, Co.opmart cũng triển khai chương trình “Chợ Tết đồng giá” 10.000 đồng, 44.000 đồng và 55.000 đồng dành cho nhiều thực phẩm tươi sống, gia vị, trái cây…
Nhằm chung tay bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, đồng thời hỗ trợ người dân vui xuân đón tết, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Tập đoàn Central Retail thực hiện chương trình “Lễ hội thịt lợn”. Theo đó, từ nay đến hết ngày 22/1, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc sẽ áp dụng giảm giá từ 20 – 45% đối với các loại thịt.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết: “Sức mua tại các siêu thị thuộc hệ thống tăng từng ngày, đặc biệt ngày cuối tuần. Trong đó, sức mua tăng tập trung chủ yếu vào các mặt hàng bia, rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây, đồ trang trí…
Tương tự, hệ thống siêu thị WinMart cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, như giảm 20% cho các loại thực phẩm như thịt, rau củ đối với hội viên; giảm 15% với bia Ruby đỏ; hay mỳ Omachi giảm từ 14% – 20% tùy dòng sản phẩm… Bên cạnh đó, Winmart còn tổ chức chương trình khuyến mại giảm giá “Tết tuyệt nhất – Tết cùng Winmart”.
Khảo sát một cửa hàng WinMart tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho thấy sức mua tại các siêu thị đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu được người tiêu dùng quan tâm và mua sắm nhiều hơn là những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm như bia rượu, nước ngọt, thịt, trái cây…
Dù sức mua tăng vào những ngày cận Tết, nhiều người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các sản phẩm có mức giảm giá sâu, đặc biệt với bánh kẹo và thực phẩm thiết yếu. Tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trưa ngày 19/1, khu vực bánh kẹo và đồ chế biến khá đông khách, trong khi gian hàng bia – nước giải khát vắng vẻ dù có nhiều chương trình khuyến mãi.
Với các sản phẩm không khuyến mãi, đa số người tiêu dùng cho biết sẽ tìm mua trên “chợ mạng”. Các kênh Shopee, Lazada, và TikTok Shop đều đang giảm giá 30 – 50% cho nhiều sản phẩm Tết như bánh kẹo, bia, nước giải khát, đồng thời miễn phí giao hàng, giúp khách hàng tiết kiệm hơn khi mua sắm.
NHIỀU SIÊU THỊ TĂNG THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG
Để người dân không cần dự trữ hàng hóa, thông tin mới nhất, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ kéo dài thời gian hoạt động để phục vụ người dân. Chẳn hạn từ ngày 24/1 – 27/1/2025, các trung tâm MM Mega Market mở cửa 24/24. Đặc biệt, ngày 28/1/2025 (29 Tết), các trung tâm MM Mega Market mở cửa tới 12h trưa và hoạt động trở lại vào 7h ngày mùng 2 Tết.
Từ đầu tháng 1, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife… trực thuộc Saigon Co.op đã tăng giờ phục vụ bằng việc mở cửa bán hàng sớm hơn 1 tiếng so với ngày thường. Từ giữa tháng 1, các đơn vị này phục vụ đến tận 23h. Các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra cũng chỉ nghỉ mùng 1 Tết (nhằm ngày 29.1). Sau đó, siêu thị khai trương năm mới vào mùng 2 Tết.
Hệ thống siêu thị GO!, Big C từ 18/1 đến 27/1, mở cửa từ 7h30 – 23h. Ngày 28/1 (tức 29 Tết), hệ thống siêu thị này mở cửa từ 7h – 12h. Lotte Mart tùy khu vực sẽ mở cửa sớm hơn và đóng cửa trễ để đáp ứng nhu cầu sắm Tết của người dân. Từ mùng 2 Tết, các siêu thị Lotte Mart mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart… hoạt động xuyên suốt Tết.
Ghi nhận tại buổi đi kiểm tra công tác triển khai phục vụ Tết tại siêu thị Go! Thăng Long của TP. Hà Nội diễn ra chiều 16/1 cho thấy sức mua hàng Tết tại siêu thị tại Hà Nội hiện tăng khoảng 20 – 30% so với tuần liền kề trước đó và tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2024.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, cho biết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Ất Tỵ ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5 – 20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024. Đặc biệt, 22 doanh nghiệp bán lẻ của TP. Hà Nội cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong quá trình phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Sản lượng hàng hoá thiết yếu được chuẩn bị chiếm 25 – 43%. “Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có”, ông Phương nói.
Với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng của các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối đều tăng so với năm trước, nguồn cung dịp Tết Nguyên đán 2025 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường bình ổn, không có chuyện khan hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cả nước được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao như bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm tươi sống… tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo “sốt ảo”…