Sáng 10.7, giá USD tại các ngân hàng thương mại hầu như đi ngang. Eximbank giữ nguyên giá mua 23.410 đồng và bán ra 23.800 đồng như cuối tuần qua; Vietcombank cũng duy trì giá mua 23.440 đồng và bán ra 23.810 đồng…
Giá USD tự do giảm nhẹ 10 đồng so với cuối tuần qua, xuống còn mua vào 23.660 đồng và bán ra xuống 23.750 đồng.
Giá USD quốc tế vẫn ở mức thấp dù chỉ số USD-Index đạt 102,35 điểm, tăng nhẹ 0,1 điểm so với cuối tuần qua. Đồng bạc xanh giảm giá sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Theo khảo sát của ISM, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ trong tháng 6 đã giảm xuống 46 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020, giảm từ mức 46.9 điểm của tháng 5. Đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số PMI của Mỹ ở dưới ngưỡng 50 điểm, điều này cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất.
Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp cuối tháng 7. Theo dữ liệu của CME Group tính đến ngày 7.7, xác suất mà thị trường đưa ra cho khả năng này là 92%.
Trong tuần này, nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 vào ngày 12.7. Các nhà kinh tế dự đoán CPI sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, tức là đã hạ nhiệt so với mức tăng 4% ghi nhận vào tháng 5. Các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát tại Mỹ đang trên đà đi xuống, dù vẫn còn cao hơn nhiều mục tiêu 2% của Fed.
Kể từ tháng 3.2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5 – 5,25%. Cơ quan này chỉ tạm dừng tay tại cuộc họp tháng 6 vừa qua để có thêm thời gian đánh giá tác động của lãi suất lên nền kinh tế…