“Liều thuốc” giảm lệ phí trước bạ chưa thể lập tức phát huy tác dụng trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam đang trải qua cơn “bạo bệnh” khi sức mua ô tô giảm tình hình kinh doanh tại nhiều đại lý ô tô vẫn rất ảm đạm, lượng xe tồn kho có chiều hướng gia tăng.
Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại “đua song mã”
“Thuốc chưa thể dã tật”
Sau giai đoạn tăng trưởng khá ấn tượng, kể từ những tháng cuối năm 2022 thị trường ô tô Việt Nam bắt đầu “lâm cơn bạo bệnh” khi sức mua ô tô trên thị trường bắt đầu sụt giảm rồi tiếp đà lao dốc. Kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng cùng chính sách tín dụng thắt chặt, lãi suất cho vay tăng cao… chính là những yếu tố gián tiếp đẩy thị trường ô tô “lâm bệnh” khi phần lớn người tiêu dùng đều thắt chặt chi tiêu với những mặt hàng có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng như ô tô.
Tình hình kéo dài xuyên suốt sang quý 1 rồi quý 2/2023 khiến bản thân nhiều nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối ô tô cũng “than trời” khi càng nỗ lực gồng mình chịu lỗ để ưu đãi, giảm giá… sức mua, doanh số lại càng giảm. Tính đến hết tháng 5.2023, theo số liệu từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán ô tô trên thị trường giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số ô tô lắp ráp trong nước giảm 43%, lượng tiêu thụ xe nhập khẩu cũng giảm tới 23%.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 1.7.2023 Chính phủ ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước. Sau 2 lần từng được ban hành vào năm 2020 và 2021, chính sách này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Vì vậy, trong lần thứ 3 được triển khai, chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được Chính phủ ban hành được xem như “liều thuốc” có thể “giải bệnh” cho thị trường ô tô.
Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng! Sau gần nửa tháng ban hành, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước vẫn chưa thể vực dậy sức mua trên thị trường ô tô. Tình hình kinh doanh tại nhiều đại lý ô tô vẫn rất ảm đạm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trọng Thạch Nguyên Vũ – Giám đốc bán hàng đại lý Hyundai Miền Nam cho biết: “Từ ngày 1.7 (thời điểm Nghị định 41/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực – PV) đến nay, sức mua vẫn không tăng trưởng cao, thậm chí tệ hơn 5 ngày cuối tháng 6. Lượng khách hàng đến xem, mua xe tại đại lý vẫn không nhiều”.
Theo ông Vũ, việc thị trường bất động sản đóng băng đang khiến dòng tiền bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua xe hiện vẫn ở mức cao. Không chỉ là vấn đề phí trước bạ, hiện tại đa số khách hàng tỏ ra e dè nhiều yếu tố khác và cân nhắc khá kỹ trước khi đưa ra quyết định mua xe.
Trong khi đó, tại đại lý Phú Mỹ Ford tọa lạc trên đường Võ Chí Công, TP.Thủ Đức, TP.HCM khung cảnh vẫn khá vắng vẻ bất chấp những dòng xe vốn hút khách như Ford Ranger, Ford Territory… cũng thuộc diện được giảm 50% lệ phí trước bạ. Phía đại lý cùng nhà sản xuất vẫn nỗ lực duy trì các chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng nhìn chung, sức mua vẫn chưa có sự tăng trưởng đột phá.
Ông Nguyễn Quang Khải – Giám đốc kinh doanh đại lý Phú Mỹ Ford cho biết: “Khác với những lần trước đây, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã được áp dụng từ ngày 1.7.2023 chưa thể lập tức phát huy tác dụng khi tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn”.
Nhà sản xuất, đại lý nỗ lực duy trì ưu đãi, giảm giá
Trong bối cảnh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước chưa thể lập tức phát huy tác dụng, các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô vẫn nỗ lực duy trì chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm tạo ưu đãi kép qua đó có thể kích thích tâm lý mua ô tô của khách hàng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những năm trước đây khi Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, phía nhà sản xuất thường cắt giảm các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, nếu cắt giảm khuyến mãi, giảm giá… khó có thể hút khách mua, khi nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu đang được ưu đãi lên đến cả trăm triệu đồng.
Hiện tại, nhiều đại lý Hyundai vẫn triển khai các chương trình giảm giá cho nhiều mẫu mã lắp ráp trong nước như Accent, Grand i10 hay Santa Fe, Creta… Trường Hải (THACO AUTO) cũng duy trì các chương trình giảm giá với hầu hết các mẫu mã thuộc các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot… Trong khi đó, Toyota Vios mới cũng như Veloz Cross cũng đang được Toyota áp dụng nhiều ưu đãi. Ford thậm chí hỗ trợ khách hàng mua Ranger, Territory 50% lệ phí trước bạ còn lại dù hai mẫu xe này đã được giảm 50% lệ phí trước bạ theo chính sách mới của Chính phủ.
Với tình hình hiện tại, các đơn vị kinh doanh ô tô dự báo phải đến cuối tháng 7.2023 “liều thuốc” giảm lệ phí trước bạ mới thực sự phát huy tác dụng để kích thích tâm lý mua ô tô của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi trên thị trường ô tô. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng thị trường khó có thể tăng trưởng đột phá trong giai đoạn cuối năm.