Từ giữa năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào đà tăng mạnh và lập đỉnh sử 663 USD/tấn vào trung tuần tháng 11, bởi mặt hàng lương thực này sốt giá trên toàn cầu.
Năm 2024, giá gạo hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao. Từ giữa tháng 8/2024 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta bước vào chu kỳ giảm mạnh.
Đặc biệt, với đà lao dốc trong những ngày vừa qua, giá gạo xuất khẩu đã xuyên thủng đáy của năm 2023-2024.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tiếp đà giảm trong ngày 19/2, về mức 394 USD/tấn; giá gạo 25% tấm cũng giảm còn 369 USD/tấn.
Tại thị trường nội địa, giá lúa tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023 đã đẩy giá gạo vọt lên đỉnh và neo ở mức cao trong suốt năm 2024. Đáng chú ý, khi giá gạo xuất khẩu rời xa đỉnh, thậm chí xuyên thủng đáy và giá lúa thường tại ruộng từ mức gần 9.000 đồng/kg giảm còn 5.371 đồng/kg thì giá gạo tại thị trường nội địa chỉ giảm nhẹ.
Tại chợ Hà Nội, thời điểm đầu năm 2023, giá gạo Bắc Hương, tám Hải Hậu, tám Điện Biên, Thái đỏ, Kiến xanh… có giá dao động từ 15.000-17.000 đồng/kg tuỳ loại.
Nhưng trong cơn sốt giá, các mặt hàng này lập tức tăng vọt lên 20.000-22.000 đồng/kg. Nguyên nhân được giới buôn bán đưa ra là do “tăng theo giá lúa. Gạo đang sốt giá trên toàn cầu”. Mức giá này sau đó được duy trì trong suốt năm 2024.
Thậm chí, vào dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua, giá gạo còn tăng thêm 500 đồng/kg tuỳ loại. Lý do là vì cơn bão số 3 Yagi khiến diện tích lúa ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc thiệt hại nặng, sản lượng sụt giảm đáng kể.
“Giá các loại gạo bán lẻ đã giảm rồi”, chị Chu Thị Tuyền – chủ một cửa hàng gạo quê ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – nói với PV VietNamNet. Tuy nhiên, gần một tuần trở lại đây, hầu hết các loại gạo chỉ giảm 1.000 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh nhẹ, tại cửa hàng của chị Tuyền, gạo Bắc Hương và tám Hải Hậu có giá 19.000 đồng/kg; tám Điện Biên, Kiến xanh và tám Thái đỏ cùng có giá 20.000 đồng/kg. Giá một số loại gạo như Séng Cù hạt tròn, ST hữu cơ giữ nguyên, lần lượt là 23.000 đồng/kg và 38.000 đồng/kg. Mức giá này được áp dụng cho sản phẩm đóng bao 10kg.
Anh Ngô Văn Soạn bán gạo ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận, các loại gạo có giảm nhưng không đáng kể. Theo đó, gạo Bắc Hương vẫn có giá 23.000 đồng/kg, gạo Hoa Sữa giá 22.000 đồng/kg, ST25 giá 38.000 đồng/kg, gạo tám Kim Sơn giá 27.000 đồng/kg…

Trung gian khống chế giá?
Lý giải về nguyên nhân giá gạo tăng nhanh theo cơn sốt nhưng lại giảm “nhỏ giọt” trong bối cảnh giá xuất khẩu lao dốc, anh Soạn cho biết, giá ở thị trường nội địa bao giờ cũng có độ trễ. Chưa kể, mọi chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng nên giá mặt hàng này cũng rất khó để giảm về mức cũ.
Ngoài ra, nguồn cung gạo cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đa phần đều là hàng tự cung tự cấp trong vùng. Thế nên, giá thế giới cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá gạo tại chợ ở Hà Nội, anh Soạn giải thích thêm.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây cũng đề cập đến nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Theo đó, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL, những vùng khác ở nước ta đa phần để phục vụ cho tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận, gạo xuất khẩu giảm nhưng giá gạo trong nước không giảm do khâu trung gian khống chế giá. Bên cạnh đó, thông thường phải 2-3 tháng giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường xuất khẩu.
“Trước giá gạo Séng Cù đặc sản giá chỉ 36.000 đồng/kg, giờ tăng lên 40.000 đồng/kg và gần như rất khó để giảm”, anh Nguyễn Xuân Hoà – đầu mối bán gạo đặc sản ở Hà Đông (Hà Nội) nói.
Theo anh, lúa thu hoạch theo vụ nên khi vào vụ anh hay các doanh nghiệp đều phải bỏ ra số tiền lớn mua hàng trăm, hàng nghìn tấn lúa của bà con nông dân về tích trữ sao cho đủ gạo bán trong nửa năm hoặc ít nhất cũng phải đủ bán cho đến khi vào vụ thu hoạch mới. Thậm chí, còn phải ứng trước tiền cho bà con từ khi lúa mới bắt đầu vào hạt.
Ví như, gạo bán ở thời điểm hiện tại được xay xát từ lúa thu mua vào tháng 9-10 năm ngoái. Khi đó, giá lúa vẫn ở mức cao nên giá bán gạo thành phẩm cũng được tính toán dựa trên giá nguyên liệu đầu vào.
Hơn nữa, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công đều tăng khiến giá gạo bán ra tại thị trường nội địa khó giảm nhanh. Tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản cũng là yếu tố khiến nhiều cửa hàng phải giữ giá, anh Hoà cho hay.
