Nông dân thắng lớn
Sáng 17/4, giá cà phê nhân xô tăng lên 116.000 đồng/kg. Dù rất nhiều người gọi điện thoại hỏi mua nhưng ông Nguyễn Văn Tạo – nhà vườn trồng cà phê ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) – vẫn lắc đầu, chờ giá lên 120.000 đồng/kg.
Ông Tạo cho biết, ở Tây Nguyên, bà con thu hoạch cà phê từ tháng 10 năm trước kéo dài đến đầu năm sau mới kết thúc. Do trồng giống khác nên gia đình ông thu hái cà phê muộn. Cuối tháng 1 vừa qua, ông mới bắt đầu thu hoạch – thời điểm giá cà phê nhân vào đà tăng mạnh.
Hái quả xong đem phơi sấy khô, gia đình ông thu được 16 tấn cà phê nhân. Con số này không cao hơn so với những năm trước nhưng giá cà phê thì cao ngất ngưởng.
Ông Tạo và gia đình đã gắn bó với cây cà phê trên đất Tây Nguyên mấy chục năm nay, song chưa năm nào thắng lớn như hiện tại.
“Nếu bán giá 120.000 đồng/kg, tôi thu về khoảng 1,9 tỷ đồng cho vụ cà phê này”, ông nói và nhẩm tính, trừ chi phí thì lợi nhuận đạt 70% trong tổng doanh thu.
Theo ông, ở vùng này, nguồn cà phê trong dân gần như đã cạn. Phần lớn các hộ bán cà phê tươi ngay lúc thu hoạch hoặc bán cà phê nhân ở thời điểm giá 70.000-90.000 đồng/kg. Thế nên, khi giá cao như hiện nay, nhiều hộ tiếc hùi hụi vì không còn hàng.
“Tôi liều giữ cà phê đến giờ vì nghĩ giá sẽ còn tăng cao hơn nữa. Kết quả giá tăng không ngừng nghỉ, trúng lớn thật”, ông Tạo chia sẻ.
Anh Hoàn trồng 4ha cà phê ở Đắk Lắk, khoe: “Vụ này thu được 10 tấn hạt. Khi giá tăng lên 112.000 đồng/kg tôi đem bán sạch”. Bởi so với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê đã tăng gấp 2-3 lần.
“Bán xong cà phê, tôi tậu luôn một chiếc ô tô giá hơn 1 tỷ đồng để gia đình đi lại thuận lợi hơn”, anh hồ hởi.
Thời điểm này năm 2023, giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trên dưới 50.000 đồng/kg. Năm nay, giá cà phê ghi nhận ngày 17/4 vọt lên đỉnh lịch sử 116.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê tăng 66.000 đồng/kg, tương đương tăng 132%.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, cà phê Robusta tại sàn London giao tháng 5/2024 có giá 4.005 USD/tấn – kỷ lục lịch sử, giao tháng 7/2024 ở mức 3.977 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 cũng tăng lên ngưỡng 236,75 cent/lb, giao tháng 7/2024 ở mức 228,4 cent/lb.
Giá cà phê tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng giá, nguyên nhân là vì những lo ngại về vụ mùa cà phê ở Brazil và Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua cà phê kỳ hạn của các quỹ.
Nhà rang xay thế giới dựa vào nguồn cung cà phê Việt
Giữa lúc giá cà phê tăng cao, liên tục phá đỉnh lịch sử, không ít nhà vườn đứng ngồi không yên vì cây trồng này đang “khát nước”, dự báo sản lượng sẽ giảm mạnh. Cà phê đang rộ quả non, nếu thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng teo quả hoặc rụng.
Ông Nguyễn Văn Tạo chia sẻ, tỷ lệ quả đậu tốt nhưng thời tiết khô hạn. Có những hộ chỉ tưới được 2 đợt đã hết nước. “Trong 1 tháng nữa nếu không có mưa thì năng suất cà phê có thể giảm mạnh”, ông lo ngại.
Chỉ riêng tại huyện Đắk Mil, hàng nghìn ha chuyên canh cây cà phê có nguy cơ chết khô vì thiếu nước.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho hay, tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới một số cây trồng chủ lực của địa phương, dự báo sẽ mất mùa trong niên vụ tới. Tỉnh đã chỉ đạo công ty thủy lợi, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch điều tiết nước cho cây trồng, nhất là những vùng trồng cây chủ lực, đang có giá cao.
Tại Gia Lai, ông Trần Văn Hiếu chia sẻ, gia đình ông có hơn 10ha cà phê đang độ trái non nhưng có nguy cơ bị mất trắng vì hạn hán, nắng nóng kéo dài. Ao hồ, sông suối đều cạn khô.
Để “cứu” 10ha cà phê, gia đình ông phải bỏ ra một khoản tiền lớn để khoan giếng, lấy nước tưới cây. Song, lượng nước tưới cho cây cà phê cũng không ổn định. Máy bơm chỉ chạy được khoảng 1 giờ lại phải nghỉ do cạn nước.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam, nhìn nhận, sản lượng cà phê vụ tới sẽ sụt giảm bởi nắng nóng, khô hạn diễn ra nhiều vùng chuyên canh cây cà phê ở Tây Nguyên.
Theo ông, nguồn cung cà phê sẽ tiếp tục căng thẳng do tới tháng 7 Brazil mới vào vụ thu hoạch mới. Cà phê Indonesia chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa, nguồn hàng xuất khẩu không nhiều. Do đó, các nhà rang xay trên thế giới trông chờ chủ yếu vào nguồn hàng từ Việt Nam.
Tuy nhiên, sản lượng cà phê ở nước ta niên vụ tới dự báo giảm mạnh, 20% so với niên vụ vừa qua. Vì thế, giá cà phê nhân ở nước ta cũng như trên thế giới còn tăng mạnh.
Bộ Công Thương nhận định, năm nay ngành cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do sự thiếu hụt nguồn cung. Dự đoán, đà tăng của giá cà phê thế giới sẽ chậm lại hoặc quay đầu giảm trong nửa cuối năm 2024.