Việt Nam cao điểm mùa mưa vẫn… nóng
Tháng 7, cao điểm mùa mưa ở Nam bộ. Cũng ngay thời điểm này, Biển Đông đang có bão và Nam bộ mưa lớn liên tục trên diện rộng nhiều ngày liền nhưng cảm nhận chung của nhiều người là nóng bức khó chịu. Tại TP.HCM và các địa phương ở Nam bộ, trong giai đoạn nửa đầu tháng 7 nhiệt độ thường xuyên duy trì mức 32 – 34 độ C.
Nhiều người dân ở TP.HCM chứng kiến từ sáng sớm nắng đã gay gắt, dù mới 7 – 8 giờ sáng. Đang mùa mưa nhưng nhiều gia đình vẫn phải thường xuyên mở máy lạnh vì nóng không chịu nổi. Nóng, thậm chí nóng hơn bình thường ngay giữa mùa mưa cũng là chia sẻ của nhiều bà con nông dân ở các tỉnh Nam bộ.
Tại nhiều vùng miền trên cả nước cũng xảy tình trạng nắng nóng và khô hạn, cây trồng chết khô vì thiếu nước và hàng loạt hồ thủy điện mực nước xuống dưới mực nước chết.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong nửa đầu năm nay, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn trung bình nhiều năm phổ biến từ 0,5 – 1 độ C. Nền nhiệt độ tiếp tục duy trì ở mức cao như vậy trong nửa cuối năm 2023. Hiện tượng El Nino khiến nắng nóng và lượng mưa phổ biến ít hơn trung bình nhiều năm. Tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ, nắng nóng tiếp tục xảy ra trong tháng 8.2023 với số ngày nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện trong tháng 9 nhưng cường độ sẽ giảm dần.
Ngay cả trước khi El Nino chính thức xuất hiện, tại Việt Nam đã ghi nhận những kỷ lục mới về mức nhiệt cao nhất ngày. Cụ thể, ngày 7.5 tại Tương Dương (Nghệ An) ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử là 44,2 độ C (kỷ lục cũ 43,4 độ C tại Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 4.2019). Ngược lại, tại một số nơi đã có tổng lượng mưa tháng và lượng mưa ngày vượt lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc.
Châu Âu và Mỹ đến mặt nước biển cũng bị hâm nóng
Trong bản tin mới được phát hành ngày 13.7, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu ghi nhận tăng trong những ngày đầu tháng 7. Các đợt sóng nhiệt gây nên các đợt nóng kéo dài đang đe dọa đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn nước nhiều nơi trên thế giới.
Ở khu vực Địa Trung Hải, ít nhất trong 2 tuần tới nhiệt độ có thể tăng thêm đến 5 độ C so với mức nhiệt độ trung bình trong nhiều năm qua. Nhiệt độ cao nhất ngày nhiều nơi sẽ từ 35 – 40 độ C, cá biệt một số nơi như Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên đến 45 độ C. Điều này dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao trên hầu hết bán đảo Iberia (tây nam châu Âu, chủ yếu diện tích thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), còn riêng Tây Ban Nha nguy cơ cháy rừng là cực kỳ cao.
Đáng chú ý, nhiệt độ bề mặt nước biển Địa Trung Hải sẽ đặc biệt cao trong những ngày và tuần tới, có thể vượt quá 30 độ C ở một số nơi, khu vực phía tây của vùng biển này có thể tăng thêm tới hơn 4 độ C so với mức nhiệt độ trung bình.
Tại khu vực bắc Phi, cụ thể như Morocco, nhiệt độ ngày 13.7 ở khu vực phía nam nước này ghi nhận ở nhiều nơi từ 44 – 49 độ C.
Một đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài ở vùng tây nam nước Mỹ, một số nơi nhiệt độ cao nhất ghi nhận đến 43 độ C. Cơ quan Thời tiết Mỹ cho biết: “Các vùng nước ấm bất thường ở vịnh Mexico và ở phía tây Đại Tây Dương sẽ góp phần tạo ra sự nóng ẩm dai dẳng, ngột ngạt ở hầu hết các khu vực ven biển. Điều này làm hạn chế quá trình làm mát vào ban đêm. Nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm dự kiến sẽ đạt mức cao và sẽ làm tăng nguy cơ đến sức khỏe người dân.
Tại Canada, cháy rừng kỷ lục tiếp tục thiêu rụi nhiều diện tích rừng lớn. Tính đến ngày 11.7, hơn 500 đám cháy rừng đã vượt khỏi tầm kiểm soát với tổng diện tích hơn 9 triệu ha đã bị cháy vào năm 2023.
Theo Tiến sĩ Omar Baddour, Giám đốc giám sát khí hậu tại WMO, vẫn cần thêm nhiều dữ liệu nhưng có thể thấy El Nino và biến đối khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến các hiện tượng cực đoan đang diễn ra khắp thế giới.
Mưa lớn, lũ lụt chưa từng thấy
Cùng với nắng nóng thì ở vùng đông bắc nước Mỹ đang phải đối mặt với lượng mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng vào đầu tháng 7. Chính quyền thành phố New York đã ban hành tình trạng khẩn cấp về lũ quét và hơn bốn triệu người đang ở trong tình trạng báo động lũ lụt vào ngày 11.7.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại vùng tây bắc của Trung Quốc, phía bắc Ấn Độ… Tại Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng nước này (JMA), nhận định “mưa lớn chưa từng thấy” để mô tả về lượng kỷ lục vừa được ghi nhận vào ngày 10.7 tại Minousan là 376mm và tại Hikosan là 361,5mm, cả hai đều ở vùng Kyushu – một đảo lớn thứ ba của Nhật Bản.
Stefan Uhlenbrook, Giám đốc thủy văn, nước và tầng lạnh của WMO cảnh báo: Khi trái đất ấm lên, chúng ta có thể sẽ thấy các trận mưa ngày càng dữ dội hơn, thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng hơn. Trong khi các nước như Nhật Bản đã có sự chuẩn bị rất tốt để ứng phó với lũ lụt thì các nước đang phát triển hầu như không có cấu trúc phòng chống lũ lụt và không có quản lý lũ lụt tổng hợp.
Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO, cho biết thêm: Các kiểu thời tiết cực đoan đang dần phổ biến và trở thành tình trạng “bình thường mới”. Điều này nhấn mạnh tính cấp bách của việc nhanh chóng chung tay cắt giảm phát thải khí nhà kính càng nhanh và càng sâu càng tốt.