Động lực tăng trưởng – Chờ sự phục hồi từ đầu tư ở khu vực tư nhân
Trong khi đầu tư công đang tăng tốc, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng có tín hiệu khởi sắc trở lại, hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân trong nước vẫn rất trì trệ. Liệu xu hướng này có cải thiện trong thời gian tới, góp phần lớn hơn vào động lực tăng trưởng của năm nay?
Tăng tốc đầu tư công, FDI tăng trưởng trở lại
Sau bao nan giải và phải gia hạn thời gian, chủ đầu tư siêu dự án sân bay Long Thành mới đây đã công bố Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu này. Ngày 04/8 này, Liên danh Vietur sẽ tiếp tục mở hồ sơ đề xuất tài chính và có cơ hội trở thành nhà thầu chính thức cho gói thầu số 5.10 – gói thầu lớn nhất của dự án với quy mô 35,233 tỷ đồng.
Trước đó vào giữa tháng 7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5208/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ thi công Dự án theo yêu cầu của Quốc hội. Có thể thấy trước những chỉ đạo, đốc thúc quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ, các dự án đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ hơn.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao ngành Giao thông Vận tải (GTVT) phải đẩy nhanh tiến độ thi công 25 dự án trọng điểm quốc gia với 75 dự án thành phần, trong đó tập trung vào một số dự án cao tốc trọng điểm với mục tiêu cuối năm nay cả nước sẽ có 1,852 km cao tốc. Được biết năm 2023, Bộ GTVT được giao hơn 97,000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phân bổ vốn đầu tư công của cả nước và là số vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay của Bộ. Hiện đã giải ngân gần 38,000 tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch.
Không chỉ ngành GTVT, các lĩnh vực khác và nhiều địa phương đang chịu áp lực rất lớn để giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ yêu cầu. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 58.5 ngàn tỷ đồng, tăng 28.4% so với cùng kỳ năm trước, nâng lũy kế thực hiện 7 tháng lên hơn 291 ngàn tỷ đồng, bằng 41.3% kế hoạch năm và tăng 22.1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng trưởng 12.3% của cùng kỳ 7 tháng 2022. Đáng lưu ý, cả vốn đầu tư thực hiện do Trung ương và địa phương quản lý đều đạt mức tăng trưởng cao tương ứng là 29.4% và 20.5%.
Còn dữ liệu từ Bộ Tài chính cho biết giá trị vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267,625 tỷ đồng, đạt 35.49% kế hoạch và đạt 37.85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo các chuyên gia kinh tế, dù chưa đạt được như kế hoạch đề ra, nhưng có thể nói đầu tư công là điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay. Năm 2023, với số vốn đầu tư công đặt mục tiêu ở 711,000 tỷ đồng, do đó, trong 5 tháng còn lại áp lực phải tiếp tục giải ngân là rất lớn.
Dù vậy, với dấu hiệu tăng tốc gần đây, nhiều dự án đã xong về thủ tục, quy trình sẽ tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cộng thêm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thường tập trung vào các tháng cuối năm, khả năng kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt tiến độ kế hoạch cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm và tạo đà cho năm sau.
Có cơ sở để kỳ vọng hoạt động đầu tư của khu vực này sẽ sớm phục hồi trở lại và sôi động hơn trong giai đoạn tới. Đầu tiên là với các dự án đầu tư công được đẩy mạnh cùng với dòng vốn FDI khởi sắc hơn, sẽ mang đến sự lan tỏa rộng lớn đến toàn bộ nền kinh tế, tạo ra thêm nhiều nhu cầu sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy cầu tiêu dùng mạnh mẽ , từ đó cũng giúp kích thích hoạt động đầu tư ở khu vực tư nhân. |
Cùng với tăng trưởng mạnh mẽ đầu tư ở khu vực công, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang cho thấy dấu hiệu khả quan hơn, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định hơn, thể hiện qua biến số lãi suất và tỷ giá. Cụ thể, sau giai đoạn liên tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại, với mức tăng 4.5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý là ở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, khi có đến 1,627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7.94 tỷ USD, tăng 75.5% so với cùng kỳ năm trước tăng 38.6% về số vốn đăng ký. Trong đó, dòng vốn tiếp tục tập trung ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đăng ký đạt 6.77 tỷ USD, chiếm 85.3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngoài ra, lượng vốn FDI giải ngân 7 tháng đầu năm nay cũng đạt 11.58 tỷ USD, tăng trở lại 0.8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Chờ sự phục hồi ở dòng vốn của khu vực tư
Trong khi đó, hoạt động đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn rất trì trệ, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, riêng trong tháng 7, cả nước chỉ có thêm 13.7 ngàn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 126.9 ngàn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 79 ngàn lao động, giảm 1.2% về số doanh nghiệp, giảm 8.6% về vốn đăng ký và giảm 24% về số lao động so với tháng 6/2023.
Tính chung 7 tháng, cả nước có 89.6 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.3 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 588.9 ngàn lao động, chỉ tăng 0.2% về số doanh nghiệp, nhưng giảm 17.1% về vốn đăng ký và giảm 5.2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2023 chỉ đạt 9.3 tỷ đồng, giảm 17.3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, nếu tính cả lượng vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2023 là 1,952 ngàn tỷ đồng, giảm mạnh 41.5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay lên đến 113.3 ngàn doanh nghiệp, tăng 19.8% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng có 16.2 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng trong tháng 7 vừa qua, có 6,884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34.9% so với tháng trước và tăng 30.3% so với cùng kỳ năm 2022; có 5,257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1,581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Một chỉ số khác cũng thể hiện sự khó khăn ở khu vực tư nhân là xu hướng tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế rất chậm kể từ đầu năm đến nay, phản ánh nhu cầu vay vốn mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp là rất thấp. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 so với đầu năm chỉ đạt 4.7%, khi cùng kỳ năm 2022 lên đến 9.44%. Ngoài ra, các thông tin cho thấy nhiều tập đoàn tư nhân lớn hiện nay để hàng ngàn tỷ đồng tiền nhàn rỗi tại các ngân hàng, thay vì mang đi đầu tư, cũng cho thấy sự bi quan và lo ngại của nhóm này trong tình hình kinh tế hiện nay.
Dù vậy, có cơ sở để kỳ vọng hoạt động đầu tư của khu vực này sẽ sớm phục hồi trở lại và sôi động hơn trong giai đoạn tới. Đầu tiên là với các dự án đầu tư công được đẩy mạnh cùng với dòng vốn FDI khởi sắc hơn, sẽ mang đến sự lan tỏa rộng lớn đến toàn bộ nền kinh tế, tạo ra thêm nhiều nhu cầu sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn, sẽ giúp kích thích hoạt động đầu tư ở khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, với lãi suất liên tục đi xuống gần đây, trong đó, lãi suất cho vay đã về vùng hợp lý, các doanh nghiệp có thể mạnh dạn vay vốn để tăng cường đầu tư hơn. Gần đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1.5-2% từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, nhiều dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành trong quý 3 này.
Những kỳ vọng về đơn hàng của các đối tác thương mại lớn sẽ sớm phục hồi trở lại mang niềm tin cho doanh nghiệp. Số liệu thống kê cũng cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27.53 tỷ USD, tăng 4.4% so với tháng trước. Còn chỉ số nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng từ mức 46.2 điểm trong tháng 6 lên 48.7 điểm trong tháng 7, cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong 5 tháng qua, điều này mang đến hy vọng số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới.
Phan Thụy