Theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, số lượng hợp đồng khai thác mới 5 tháng đầu năm đạt 860.740 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 60,5% giảm 31,2% (trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 43,9% giảm 21,9%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,7% giảm 47,5%).
Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 31,2% giảm 14,8%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,8% giảm 49,8%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,5% giảm 36,3%.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thông tin thêm, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 5 tháng đầu năm ước đạt 12.867 tỉ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Prudential là 2.188 tỉ đồng, Manulife là 1.668 tỉ đồng, Dai-ichi Life là 1.660 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 1.630 tỉ đồng và AIA là 1.032 tỉ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 62.794 tỉ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 55,6%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 15,9%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 15,9%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,9%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,73%.
Liên quan tới thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là lùm xùm xung quanh tình trạng bán bảo hiểm qua ngân hàng, năm 2022, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tiến hành thanh tra hoạt động này tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife.
Ngày 30.6 vừa qua, Bộ Tài chính chính thức thông tin tới báo chí kết quả thanh tra. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Luật sư Hà Huy Phong (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)
Bộ Tài chính đã yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Được biết, thời hạn cuối cùng Bộ Tài chính đưa ra để nhận báo cáo kế hoạch khắc phục kết luận thanh tra là ngày 15.8. Ngoài MB Ageas Life đã gửi báo cáo tới Bộ Tài chính ngay đầu tháng 7, hiện nay cả 3 doanh nghiệp còn lại đều đang trong quá trình khắc phục các nội dung nêu trong kết luận thanh tra và chuẩn bị báo cáo gửi Bộ Tài chính.
Xung quanh những lùm xùm của thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hà Huy Phong (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, nhấn mạnh sau thanh tra, câu chuyện trước mắt là cơ quan quản lý nhà nước cần phải xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm. Việc xử lý không chỉ để răn đe người vi phạm mà còn để cảnh tỉnh các đơn vị còn lại, trấn an tâm lý người tiêu dùng và giáo dục thị trường.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng về dài hạn, để hoạt động kinh doanh bảo hiểm diễn ra theo đúng mục tiêu, tính chất, lợi ích, đòi hỏi sự vận động, chuyển động của tất cả các bên, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội có liên quan, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng như đại lý bảo hiểm và cả sự tự ý thức của người mua bảo hiểm.