Sắp gia nhập thị trường Việt Nam, Haval H6 được hãng xe Trung Quốc định vị ở phân khúc Crossover hạng C cạnh tranh với Honda CR-V, Mazda CX-5, Hyundai Tucson hay Kia Sportage. Các mẫu xe mang thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây liên tục giảm giá khiến kế hoạch tham chiến thị trường Việt Nam của hãng xe Trung Quốc thêm phần khó khăn.
Mới đây, Mazda CX-5 bước sang bản cải tiến 2023 với mức giá giảm đáng kể so với bản cũ. Nếu lựa chọn biến thể 2.0 Deluxe, người mua chỉ chi trả 749 triệu đồng (chưa bao gồm phí lăn bánh) để sở hữu xe mới. Đây được xem là mức chi phí rất dễ chịu đối với chiếc Crossover hạng C.
Trong khi đó, Haval H6 có kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 8 tới, nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với mức giá dự kiến rò rỉ lên tới khoảng 1,1 tỉ đồng, tương đương phiên bản cao cấp nhất của dòng xe Hyundai Tucson, Kia Sportage, Honda CR-V hay Subaru Forester hiện đang phân phối trên thị trường.
Mức giá này cũng không quá bất ngờ khi ngay tại thị trường Thái Lan, Haval H6 cũng đã công bố giá bán từ 1,149 – 1,249 triệu bath (khoảng 824 – 895 triệu đồng). Đối chiếu khoảng chênh giá với các mẫu xe khác, cũng nhập khẩu từ Thái Lan hiện đang phân phối tại thị trường Việt Nam, mức giá dự kiến 1,1 tỉ đồng của Haval H6 hoàn toàn có cơ sở và không hề rẻ.
Chật vật tìm đất sống, xe Trung Quốc vẫn quyết tâm thâm nhập thị trường Việt Nam
Điểm yếu của Haval H6 là mang thương hiệu xe Trung Quốc vốn không nhận được thiện cảm từ người dùng Việt Nam ngay từ đầu. Nếu mức giá 1,1 tỉ đồng được công bố, Haval H6 sẽ tự đưa mình vào thế khó, giống trường hợp của MG HS ban đầu khi tung ra thị trường Việt Nam với giá lên tới hơn 1 tỉ đồng cũng nhận lấy thất bại về doanh số, sau đó phải giảm giá hàng trăm triệu đồng để đẩy hàng tồn kho, đến nay đã bị khai tử.
Với số tiền khoảng 1,1 tỉ đồng, người dùng có rất nhiều lựa chọn xe SUV cùng phân khúc khác có thương hiệu được ngừoi dùng Việt đánh giá cao khi nghĩ tới việc chọn mua xe Trung Quốc Haval H6, thậm chí số tiền này có thể mua được xe SUV cỡ lớn hơn như Hyundai Santa Fe, Kia Sorento, Ford Everest, Toyota Fortuner hay ô tô điện VinFast VF8 Plus và VF9 Eco.
Xe Trung Quốc dù có thiết kế bắt mắt, trang bị tiện nghi nhiều đến đâu chăng nữa cũng chỉ có hiệu ứng trong thời gian đầu, sau đó sẽ hiếm người quan tâm nếu chất lượng xe không thật sự tốt và mức giá chấp nhận được…, đa phần khách Việt còn rất dè dặt khi nhắc đến thương hiệu “lạ”.
Lợi thế của Haval H6 ở thời điểm hiện tại khi vẫn chưa công bố mức giá chính thức mà chỉ nhận đặt cọc qua các nhân viên kinh doanh ở 2 đại lý sắp mở bán tại Hà Nội. Hãng xe Trung Quốc vẫn có thể điều chỉnh giá bán để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách Việt, tránh dẫm phải “vết xe đổ” như MG HS đã từng thất bại.