Sự đa dạng thế hệ lãnh đạo
Thống kê dữ liệu về tuổi CEO các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report cho thấy, số lượng CEO tuổi Ngọ, Dần, Tý, Tuất chiếm tỉ trọng lớn nhất, lần lượt là 15,6%, 15,3%, 14,8% và 14,5%. Xét theo can chi, số lượng CEO sinh năm Nhâm Tý (1972) là đông nhất, chiếm 5,8%; tiếp theo là Giáp Dần (1974), Bính Thìn (1976) và Đinh Tỵ (1977), mỗi nhóm chiếm 5,3%.
Có thể thấy, nhiều CEO doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay đến từ thế hệ 7X. Đó là thế hệ được học tập trong môi trường mở, khi đất nước hoà bình và bắt đầu học hỏi nhiều hơn từ các nước phương Tây. Trong kỉ nguyên đổi mới, họ được tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại, điều kiện thuận lợi nhờ các chính sách giao thương quốc tế. Đồng thời, họ cũng có lợi thế về bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh và quản lý hơn so với thế hệ sau.
Cũng theo số liệu của Vietnam Report, số CEO có độ tuổi dưới 40 ở Việt Nam chiếm khoảng 10,8%, thấp hơn nhiều so với số CEO từ 41 đến 50 tuổi (41,1%) và từ 51 tuổi trở lên (48,1%). Tuy nhiên, tỉ lệ này đã tăng so với các năm trước.
Thực tế, độ tuổi từ 45 trở lên thường được xem là độ tuổi thành đạt của doanh nhân Việt, với sự tích luỹ đầy đủ cả về tri thức, bản lĩnh, kinh nghiệm lãnh đạo và mạng lưới quan hệ cần thiết trong kinh doanh. Trong khi đó, sự gia tăng về số lượng CEO dưới 40 tuổi cho thấy việc doanh nghiệp đang dần chuyển đổi và đón nhận những nhà lãnh đạo trẻ trung, sáng tạo, thích ứng nhanh với môi trường kinh doanh hiện đại. Điều này phản ánh xu hướng đa dạng hóa và trẻ hoá lãnh đạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Trong tổng số 12,9% doanh nhân tuổi Tỵ được thống kê trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay, có 2,3% CEO sinh năm Ất Tỵ.
Có thể kể đến một số lãnh đạo doanh nghiệp VNR500 tiêu biểu sinh năm 1965 như: CEO Hàn Ngọc Vũ (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam), CEO Lê Quốc Long (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á), CEO Phạm Văn Tài (Công ty CP Tập đoàn Trường Hải), CEO Trần Túc Mã (Công ty CP Traphaco), CEO Phạm Thị Thanh Hương (Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định), CEO Phạm Thị Xuân Hương (Công ty CP Dược phẩm OPC)…
Nhiều kỳ vọng trong năm Ất Tỵ
Theo quan niệm phong thuỷ, năm Ất Tỵ là năm lý tưởng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đón nhận những thay đổi tích cực. Sự khôn ngoan trong tư duy chiến lược và linh hoạt trong hành động sẽ giúp doanh nghiệp vươn xa hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
Trải qua năm 2024 với nhiều thăng trầm, từ tình hình kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn địa chính trị kéo dài đến vấn đề lạm phát sau thời gian dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định và phục hồi tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report với cộng đồng VNR500 cũng ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp có mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm lần lượt 7,7% và 10,5%, cao hơn nhiều so với mức chưa đầy 5% của năm trước đó. Phần lớn doanh nghiệp đều đặt kì vọng về triển vọng kinh tế năm 2025 đầy hứa hẹn, cùng dấu mốc trọng đại khi cả nước bước vào kỉ nguyên mới – kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024, do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức với sự tham dự của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn, sẽ diễn ra vào ngày 8/1/2025 tại Hà Nội. Chương trình đồng thời vinh danh Top 10 Công ty uy tín các ngành trọng điểm như Dược, Thiết bị y tế & chăm sóc sức khoẻ, Logistics, Du lịch, Khách sạn, Resort và Thức ăn chăn nuôi.
(Nguồn: Vietnam Report)