Hình ảnh GS-TS Võ Tòng Xuân gầy đi nhiều khi đứng phát biểu khi nhận Giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023 tối 20.12 thực sự gây xúc động đối với rất nhiều người dân vựa lúa ĐBSCL. Bởi một năm trước, tin ông nhập viện nguy kịch, hôn mê hơn nửa tháng khiến bao người lo âu, chỉ biết cầu nguyện. Và với những người dân nơi vựa lúa của cả nước, không gì đáng mừng hơn khi nhìn thấy người bạn của nhà nông đã hồi phục và nở nụ cười mãn nguyện trên bục vinh danh cho thành tựu ý nghĩa nhất cuộc đời mình.
Giải đặc biệt VinFuture 2023 có thể nói là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân và đồng nghiệp – GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) với công trình Phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Ở VN, từ những đóng góp của GS Xuân, hàng triệu người trồng lúa đã chiến thắng dịch hại, vượt qua ngưỡng cửa của nạn đói; lúa cao sản được triển khai rộng khắp các cánh đồng; ngành lúa gạo nước ta từng bước có được vị thế xuất khẩu hàng đầu thế giới hiện nay.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS Võ Tòng Xuân, người đã dành cả cuộc đời cho hạt gạo và ngành nông nghiệp nước nhà.
Tôi kỳ vọng học bổng này sẽ khuyến khích các em đam mê với nông nghiệp
Giải đặc biệt VinFuture 2023 là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn của giáo sư và cũng là niềm tự hào của người Việt. Sau giải thưởng này, ông có dự định gì không?
GS Võ Tòng Xuân: Giải thưởng này không phải công sức của riêng tôi mà là của rất nhiều người, của các đồng nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, của hàng trăm sinh viên (SV) đã cùng ra đồng, đầu tắt mặt tối, sát cánh cùng nông dân diệt rầy nâu. Đây cũng là công sức của hàng triệu nông dân đã tổ chức sản xuất nhân rộng diện tích lúa cao sản IR36 những năm 1978 – 1979, để trong vòng 6 tháng, chúng ta đã xóa sạch rầy nâu.
Vì là công sức chung, cho nên tôi sẽ sử dụng khoản tiền thưởng hơn 5 tỉ đồng này cho 2 việc cần làm, trước tiên là dùng vào quỹ học bổng dành cho các em SV có đam mê với ngành nông nghiệp. Ý tưởng này xuất phát từ thực trạng là hiện nay SV theo ngành nông nghiệp ngày càng ít mà VN mình nói gì thì nói cũng phải đi lên từ nông nghiệp. Nông nghiệp thời nay đâu chỉ có cây lúa mà còn cây ăn trái, chế biến, thủy sản…; rồi rất nhiều lĩnh vực, công nghệ thông tin (IT), số hóa nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao rất cần nguồn nhân lực.
Cán bộ nông nghiệp bây giờ đâu có cần phải đi cày cuốc mà quan trọng phải làm sao ứng dụng tiến bộ vào nông nghiệp. Tôi kỳ vọng với học bổng này sẽ khuyến khích các em nuôi dưỡng đam mê với nông nghiệp, tiếp nối các thế hệ trước, giúp đỡ cho người nông dân tốt hơn.
Việc thứ hai là tôi rất muốn phát triển đề án phổ cập song ngữ trong hệ thống trường phổ thông. Mục tiêu là làm sao để học sinh của mình tốt nghiệp phổ thông có thể đối thoại, giao tiếp bằng ngoại ngữ. Chúng ta học ngoại ngữ không phải để mất gốc mà để tự tin giao tiếp, mở rộng tầm nhìn, tranh thủ được những tiến bộ của thế giới.
Điều gì đã thôi thúc giáo sư chọn lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cây lúa, để 2 lần chọn trở về VN vào thời điểm đất nước ở những giai đoạn khó khăn nhất?
Bước ngoặt lớn với tôi là năm 1969, khi đang học về mía đường và làm giấy ở Trường kỹ thuật là trường ĐH Nông nghiệp (Los Banos, Philippines) thì Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) được xây dựng tại cánh đồng của trường tôi học. Sau đó, họ cấp một số học bổng cho cán bộ khuyến nông các nước sang. Mấy anh chị làm khuyến nông ở VN qua gặp tôi ai cũng nói, bên mình giờ lúa tan nát hết rồi, học làm mía đường về thì xài gì được bây giờ. Ở đây sẵn có lúa thì học đi. Tôi suy nghĩ vài đêm rồi lọt tọt sang IRRI lúa xin học lóm. Cũng khó khăn lắm, cuối cùng mới được đồng ý rồi sau đó tôi được nhận vào làm nghiên cứu.
Năm 1971, rời IRRI tôi về nước, công tác tại Viện ĐH Cần Thơ (sau năm 1975 đổi tên thành Trường ĐH Cần Thơ – PV), đem theo một số giống lúa về ứng dụng. Năm 1974, tôi lại sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh và tháng 4.1975 trở về VN. Khi đó đi trên máy bay chỉ có vài người, vì lúc ấy người ta chủ yếu bay ra khỏi VN chứ ít ai bay về. Trong lòng tôi cũng nặng trĩu, lo nghĩ không biết làm sao giúp cho bà con nông dân sản xuất, phổ biến mấy giống cao sản sau chiến tranh.
Là người tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp, đặc biệt ở vựa lúa ĐBSCL sau những năm chiến tranh, hành trình này diễn ra như thế nào, thưa giáo sư?
Có thể nói, sau năm 1975, ở IRRI họ nắm gần như toàn bộ các giống lúa mới. Còn ở nước ta, nông dân vẫn còn trồng lúa mùa mỗi năm có 1 vụ, năng suất rất thấp. Càng tệ hơn, sau chiến tranh, đồng ruộng bị phá nát, nông dân bỏ hoang.
Năm 1976, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, có mấy lần về gặp thầy Phạm Sơn Khai, cố hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Các ông khuyến khích tôi tập trung lo giúp cho cây lúa vì sau chiến tranh sẽ là cái đói ăn kéo đến.
Tôi nghĩ, muốn đẩy nông nghiệp đi lên thì phải làm sao để người dân quay lại sản xuất và phổ biến cho họ giống lúa cao sản, năng suất cao hơn. Nhưng tôi chỉ có hơn 100 SV mà nông dân thì cả triệu người, không biết phải làm từ đâu.
Tôi bàn với Đài PT-TH TP.HCM và Đài PT-TH Hậu Giang (thuộc tỉnh Hậu Giang cũ, gồm TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng – PV) sản xuất một chương trình phát hàng tuần về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, giúp người dân được tiếp cận rộng rãi hơn. Nhưng gửi chương trình ra T.Ư xin chủ trương suốt 2 tháng không có câu trả lời. Trong này sốt ruột quá, mà nghĩ mình làm chuyện tốt cho dân cho nước, anh em chúng tôi “xé rào” làm luôn.
Song song với chương trình kỹ thuật trên truyền hình, tôi còn cùng PGS Nguyễn Văn Huỳnh, chuyên gia về côn trùng; PGS Phạm Văn Kim, chuyên môn về bệnh lúa của Trường ĐH Cần Thơ, chọn ra những giống lúa mới thích nghi nhất với ĐBSCL như IR30 để thay các giống lúa mùa và cả lúa IR 5, IR8 đã đưa về sản xuất trước giải phóng nhưng kém hiệu quả. Rồi khuyến khích SV đưa giống lúa về nhà phổ biến cho chính gia đình mình trồng. Còn chương trình truyền hình, kiến thức được chuyển hóa thành lời ăn tiếng nói hằng ngày nên nông dân ai cũng khen hay. Thành quả là giống cao sản như IR30 nhanh chóng phủ khắp đồng bằng, mang lại năng suất gấp 2 – 3 lần lúa mùa.
Còn cuộc chiến rầy nâu, việc phổ biến giống lúa IR36 kháng rầy diễn ra thế nào, thưa giáo sư?
Đó là năm 1977, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phát triển thì “cơn ác mộng” rầy nâu xuất hiện. Tôi nhớ, SV ở Tân Châu, An Giang báo về lúa đã bị rầy nâu tấn công. Lúc này nhiều ruộng lúa bị rầy ăn rạp, héo queo tới nỗi châm mồi lửa là cháy rụi cả. Tình hình rất nguy cấp vì cả nước còn thiếu lương thực. Ở TP.HCM không tự chủ được gạo ăn. Còn nông dân bi đát tới mức nhiều nhà bán tủ thờ, lư thờ để mua thuốc xịt mà cũng bó tay vì rầy đã kháng thuốc.
Tôi đánh điện qua IRRI để nhờ hỗ trợ và được họ gửi cho 4 giống lúa mới IR36, IR32, IR34, IR38, mỗi thứ trong một bì thư 5 gram. Tôi cùng PGS Nguyễn Văn Huỳnh tức tốc đi bắt rầy nâu để nghiên cứu biến chủng trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng chọn được giống có tính kháng mạnh nhất là IR36, đặc biệt lại là giống ngắn ngày hơn 3 giống kia. Sau đó, tôi lấy hết số mạ đã gieo để thử nghiệm nhân giống lên. 7 tháng sau, thu được 2.000 kg lúa giống IR36.
Giữa năm 1978, tôi xin Ban giám hiệu Trường ĐH Thơ làm một việc chưa từng có là đóng cửa trường 2 tháng để SV ra đồng cùng nông dân sản xuất lúa, nhân giống lúa IR36 lên. Trước khi đi, mỗi SV đều được tôi dạy nằm lòng 3 bài học là: gieo mạ, làm mạ thật tốt; làm đất, cày bừa, bón phân lót; cuối cùng là thật tiết kiệm, cấy một tép, một bụi. Đây là điều rất quan trọng vì mình không có nhiều giống, phải làm thế nào để một hạt lúa giống là một tép, và một tép sẽ lên thành một bụi. Từ đó mới có thể nhân giống ra nhanh. Cứ như thế, SV ở với nông dân 2 tháng cho đến khi chắc ăn mới từ biệt về trường.
Nông dân chỗ này thu hoạch lại đong lúa giống cho nông dân khác. Vậy là không lâu sau miền Tây bít hết lúa cao sản IR36, rầy nâu cũng vắng bóng luôn. Những năm sau đó, lúa mùa 2 – 3 tấn/ha, trồng một vụ/năm đã được thay thế gần như hoàn toàn bởi lúa cao sản 2 vụ/năm, năng suất ít nhất 9 – 10 tấn/ha.
Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Nửa thế kỷ đồng hành cùng nông nghiệp VN, bên cạnh việc phổ biến giống cao sản thì với giáo sư, đâu là những yếu tố mang tính bước ngoặt nhất?
Năm 1979, khi miền Tây vắng bóng rầy nâu, IR36 đầy đồng nhưng cũng là lúc T.Ư siết chặt phải hợp tác hóa nông nghiệp, tổ chức tập đoàn sản xuất nông nghiệp… Ruộng đất người dân xáo trộn, nông dân phiền ghê lắm. Vào sản xuất tập thể, cuối vụ trừ công cán lao động, lúa còn dư bao nhiêu lại bán cho hợp tác xã (HTX) với giá rẻ mạt, nông dân chẳng còn gì. Nhiều người nản chí vào tập đoàn làm đối phó nhưng không ra đồng. Sản xuất nông nghiệp khựng lại.
Đến đầu năm 1981, T.Ư đưa vấn đề khoán ra thảo luận. Sau đó, Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán được ban hành, còn gọi là khoán 100 về “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong HTX nông nghiệp được ban hành. Nông nghiệp như được “cởi trói”, bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của nông dân, năng suất lúa sau ở các HTX đều tăng lên từ 15-20%, cá biệt có nơi tăng 50%.
Cho đến năm 1984 – 1985, tình hình lại bắt đầu đi xuống vì sự thiếu ổn định. Những năm đó, Quốc hội cũng tranh luận rất nhiều, tôi cũng nói nhiều về chính sách khoán phải làm sao cho nông dân phấn khởi, chứ khoán mỗi mùa, mỗi khoán sẽ không ổn định, họ đầu tư vào miếng đất này rồi năm sau lại phải đi chỗ khác, cứ vậy riết hết tiền, nông dân nản bỏ ruộng.
Để có những cánh đồng lúa thơm trĩu hạt ở ĐBSCL như ngày nay có đóng góp rất lớn của GS Võ Tòng Xuân
Tới năm 1988, Nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là Khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được ban hành. Ở đó, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Có khoán 10, năm 1989 năng suất lúa ở ĐBSCL bứt tốc, lúa nhiều không biết chỗ nào mà để cho hết.
Tháng 6.1989, Quốc hội họp, vấn đề xuất khẩu lúa gạo lại được nêu ra. Khi đó tôi là đại biểu Quốc hội, đã đề nghị Chính phủ phải mở cửa xuất khẩu, đừng sợ an ninh lương thực. Lúa mình nhiều quá rồi, bán không được trong khi Philippines, Indonesia họ không đủ gạo ăn. Tới tháng 11.1989 thì nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo. Chỉ trong 2 tháng cuối năm đó đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn gạo, tương đương 3,4 triệu tấn lúa. Bà con nông dân vô cùng sung sướng, phấn khởi.
Hạt gạo VN đã có một hành trình đầy kinh ngạc, từ đất nước phải nhận viện trợ lương thực, ngày nay VN đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu, gạo Việt được vinh danh ngon nhất thế giới…
Đúng là một hành trình chưa bao giờ ngừng nghỉ. Khi IR36 chặn được nạn rầy nâu nhưng giống này ăn chưa ngon cơm, thành ra lại phải tiếp tục nghiên cứu. Mình vẫn phải tiếp tục đưa năng suất của một ha lên. Lai tạo giống ngắn ngày, bông dài, hạt lớn, tăng trọng lượng hạt lúa trên mỗi diện tích đất, giúp đạt năng suất cao hơn trên cùng diện tích đất. Bên mình lại chưa rành lai tạo giống, mà lai tạo giống rất tốn công, tốn tiền và tốn đất. Một lần làm tổ hợp lai thì phải qua đời số 7, số 8 mới chọn được 1 giống ổn định. Trong khi việc nghiên cứu giống lúa là bổn phận của IRRI. Cho nên tôi chủ trương xin giống lúa lai tạo đời thứ 4-5 của IRRI đem về nghiên cứu, ứng dụng, tiết kiệm thời gian. Thành ra, sau IR36, mình có nhiều giống khác như IR 50404 đến sau này vẫn rất thịnh hành.
Với GS Võ Tòng Xuân đích đến của việc làm ra giống lúa là giúp nông dân no đủ và khấm khá hơn
Mừng là trong số các SV của tôi có kỹ sư Hồ Quang Cua (cha đẻ của gạo ST25 ngon nhất thế giới – PV) từ các giống thơm đưa về từ IRRI đã lai tạo thành công giống lúa có gien thơm kết hợp gien ngắn ngày. Nhưng hành trình đó cũng phải mất hơn 10 năm mới có được kết quả. Cho tới năm 2017, chọn ra được giống ST24. Tới 2019 là ST25 được đưa đi thi gạo ngon và trở thành gạo ngon nhất thế giới. Năm nay, ST25 tiếp tục được vinh danh ngôi vị số 1 thế giới. Đó là niềm tự hào rất lớn khi chúng ta đã có loại gạo vừa ngon cơm, thơm, lại trồng ngắn ngày. So với Thái Lan, họ chỉ trồng 1 vụ/năm, năng suất chừng 4 tấn/ha; còn ở mình lợi thế lớn là có thể trồng 3 vụ/năm, năng suất 5,5 – 6 tấn/vụ nên một năm ít nhất là 15 tấn/ha. Ngoài ST24, ST25 còn có OM18, rồi Đài thơm 8 và rất nhiều giống lúa chất lượng cao khác của VN cũng đã và đang khẳng định được chất lượng.
Cho tới nay, 83 tuổi, tôi cảm thấy đam mê cây lúa của mình, sâu xa nhất là giúp người nông dân đỡ khổ. Bởi vì đích đến của việc làm ra giống lúa tốt chính là người nông dân sử dụng được để giúp họ no đủ rồi khấm khá hơn.