Ngày 21.7, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ giá trung tâm ở mức 23.734 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại không thay đổi giá USD vào sáng 21.7, Eximbank mua vào 23.420 – 23.500 đồng, bán ra 23.810 đồng; Vietcombank mua vào 23.460 – 23.490 đồng, bán ra 23.830 đồng… Giá USD trên thị trường tự do giảm nhẹ 5 đồng, mua vào còn 23.610 đồng, bán ra 23.660 đồng.
Tỷ giá ngoại tệ những ngày gần đây ít biến động khi nguồn USD trên thị trường dồi dào, cụ thể nguồn kiều hối tại TP.HCM trong quý 2 tăng thêm 2,215 tỉ USD, nâng lượng kiều hối trong 6 tháng đầu năm lên 4,334 tỉ USD.
Giá USD trên thị trường quốc tế giảm nhẹ, chỉ số USD-Index giảm 0,2 điểm, xuống còn 100,24 điểm. Mỹ công bố thông tin kinh tế không mấy khả quan so với dự báo. Cục Dự trữ liên bang Philadelphia cho biết, lĩnh vực sản xuất vẫn gặp khó khăn. Triển vọng sản xuất kinh doanh trong tháng 7 không mấy khả quan. Thị trường lao động hồi phục mạnh khi số lượng người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục giảm. Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm 9.000 xuống còn 228.000.
Cơ quan Thống kê Mỹ cho biết, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại nước này lần lượt đạt 1,44 triệu đơn và 1,43 triệu căn trong tháng 6, giảm so với 1,5 triệu đơn và 1,56 triệu căn của tháng 5, đồng thời thấp hơn mức dự báo, tương ứng 1,49 triệu đơn và 1,48 triệu căn.
Chỉ số đô la Mỹ trong tuần này chạm mức thấp nhất trong 15 tháng. Thị trường tiền tệ có xu hướng ở mức thấp có thể kéo dài đến tháng 9. Sau kỳ nghỉ Lễ Lao động của Mỹ vào đầu tháng 9, những người tham gia thị trường sẽ quay trở lại với công việc kinh doanh, sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc. Thị trường có thể trở nên biến động hơn vào tháng 9. Cho đến lúc đó, chỉ số USD-Index sẽ vẫn đi ngang đến thấp hơn.
Chỉ số đô la Mỹ đang suy giảm khi lo ngại lạm phát giảm bớt. Lạm phát giảm cũng khiến lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống. Nhiều dự báo lạm phát có thể sẽ giảm trong thời gian tới, điều này đồng nghĩa lợi suất trái phiếu có khả năng giảm trong những tuần tới.