Anh TRẦN THANH TÙNG (Tùng BT) – chuyên gia về khởi nghiệp, người từng mở nhiều chiến dịch đóng quán “ồn ào”, nêu lại kinh nghiệm:
Tôi từng cùng lúc điều hành nhiều dự án khởi nghiệp. Nhiều thương hiệu tuy quy mô không lớn nhưng đều hướng đến hiệu quả thật. Do đó, khi một dự án bước vào giai đoạn bão hòa, đi xuống, tôi sẽ chủ động kết thúc để giảm thiểu thiệt hại.
Đầu tiên, cần xác định rõ mục tiêu đóng quán là để bảo vệ tiền, các mối quan hệ và “đồng đội” mình. Do đó, những ngày cuối kinh doanh, cần làm sao tối đa hóa lợi nhuận, thu hồi vốn được nhiều nhất; bàn bạc với chủ nhà để có phương án rút lui tối ưu.
Trước đó, chủ quán cần phải nghĩ đến hướng kinh doanh mới, thương hiệu mới để tranh thủ trong giai đoạn được dư luận quan tâm khi kết thúc dự án cũ để giới thiệu với mọi người những thương hiệu mới, những dự án khác đang làm. Đây cũng là giai đoạn thách thức bản thân, nâng thương hiệu cá nhân khi vẫn giữ chữ tín ở những tình huống cam go.
Khi lên “chiến dịch” cho việc đóng cửa quán, cần lường trước các tình huống xảy ra và “quản trị mong đợi” để chủ động trong mọi tình huống. Chẳng hạn, khi quán cà phê cuối cùng là Monkey in Black đóng cửa, việc này đã thu hút sự quan tâm không chỉ trên mạng xã hội mà còn trên báo chí chính thống. Ê-kíp ghi nhận khoảng 70% bình luận mang tính thấu cảm, 20% ủng hộ và rút ra các bài học, 10% công kích.
Như vậy, phần lớn dư luận hiểu điều chúng tôi làm và có thái độ tích cực. Với những lời lẽ công kích, tôi để ý thấy người bình luận chưa từng khởi nghiệp hoặc chưa có quá trình theo dõi hành trình của chúng tôi nên không có gì đáng lo.
Từ thực tế của mình, tôi mong muốn truyền thông về việc bình thường hóa thất bại. Cần nhìn nhận “vạn sự khởi đầu nan” và “thất bại là mẹ thành công” để khuyến khích, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp. Điều này sẽ giúp những người khởi nghiệp có niềm tin để tiếp tục với những dự án mới.