Tìm kiếm những nhà đầu tư chuyên nghiệp
Trong quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau, Bộ GTVT cho biết đến nay có 7 trạm đã được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần; 3 trạm đang đầu tư; 26 trạm chưa đầu tư. Bộ GTVT duyệt trạm dừng nghỉ có diện tích lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông là đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng (chưa đầu tư, diện tích 13,7 ha); trạm có diện tích nhỏ nhất là trên tuyến Bến Lức – Trung Lương (chưa đầu tư, diện tích 2,25 ha/bên). Ngoài ra, các trạm còn lại có diện tích trung bình khoảng 5 ha/bên. Khoảng cách trung bình bố trí giữa hai trạm dừng nghỉ là khoảng 50 km, trong đó khoảng cách xa nhất là 77 km trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Theo Cục Đường cao tốc VN, quyết định phê duyệt mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đầu tư trạm dừng nghỉ. Toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả. Trước mắt, các đơn vị sẽ kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ trên các dự án cao tốc thành phần thuộc giai đoạn 1 đã và sắp đưa vào sử dụng. Với các trạm dừng nghỉ còn lại trên các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, các đơn vị của Bộ GTVT sẽ mời gọi đầu tư và đưa vào sử dụng cùng thời điểm với khánh thành cao tốc năm 2025.
“Thực tế từ tháng 5, Bộ cũng đã chấp thuận và giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án cùng tư vấn phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng hồ sơ danh mục dự án công trình để kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án: Mai Sơn – quốc lộ 45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Dự kiến, việc công bố danh mục dự án sẽ được hoàn thành trong tháng này. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3 – 5 tháng. Thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9 – 12 tháng. Các đơn vị sẽ phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất”, Cục Đường cao tốc VN thông tin thêm.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả
Việc lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ đã được quy định rõ tại Thông tư số 01 của Bộ GTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do Bộ này quản lý.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT lưu ý quan điểm đầu tư trạm dừng cao tốc của Bộ hiện đã thay đổi rất nhiều so với giai đoạn trước. Các trạm dừng không chỉ là nơi để tài xế và hành khách ghé vào đi vệ sinh, dừng chân, ăn uống mà còn phải tính toán, nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế để hình thành một hệ sinh thái trạm dừng với quy mô và cách thức đón được nhu cầu trong tương lai. Các trạm dừng sẽ được đầu tư bài bản với nhiều tiện ích, nhiều khu vực có thể kinh doanh như một tổ hợp giải trí, thương mại. Do đó, ngoài những yêu cầu chung đã quy định, Bộ GTVT muốn tìm kiếm những nhà đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, đã có kinh nghiệm xây dựng và quản lý tốt các công trình, không chỉ đơn thuần là những đơn vị có đủ tiền để làm.
Nhiều “ông lớn” xếp hàng chờ “slot”
Giai đoạn trước, việc thu hút xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc khá khó khăn. Một phần do cơ chế, một phần do các DN lo ngại vốn đầu tư lớn nhưng lượng xe thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài và nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với các tuyến cao tốc đi vào các vùng hẻo lánh, không kết nối với hệ thống đường địa phương, ngoài việc phục vụ các phương tiện tham gia giao thông thì không thể kinh doanh thêm các loại hình khác. Chưa kể, trạm dừng chủ yếu tập trung vào một số dịch vụ như ăn uống, nhiên liệu và nghỉ ngơi, rất khó để tạo nhiều giá trị gia tăng nên DN không mấy mặn mà.
Tuy vậy, sau khi Thông tư 01 được ban hành, quan điểm về hình thức kinh doanh cũng như quy mô trạm dừng nghỉ được nới ra đã có rất nhiều nhà đầu tư tiếp cận. Trong đó, xuất hiện những tổ hợp nhà đầu tư nước ngoài và các DN trong nước có năng lực tài chính, kinh nghiệm như Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH Tập đoàn Định An, Tập đoàn BTP Holdings, Goldsun Food, Tập đoàn Changjo, Tập đoàn Deabo. Trong đó, Goldsun Food là đơn vị giữ vị trí top đầu trong ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống với 13 thương hiệu lớn như King BBQ, ThaiExpress, Seoul Garden, Capricciosa, Tasaki BBQ, Meiwei, Khao Lao… Đơn vị này đã tham gia nghiên cứu trong thời gian dài để xây dựng Đề án Chuỗi trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Changjo và Deabo là 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc chuyên thiết kế, quản lý, vận hành các trạm dừng nghỉ cao tốc tại xứ sở kim chi.
Thực ra, ngay từ khi dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông bắt đầu được khởi công, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều DN lớn có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc như: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Phương Thành, Công ty Điện máy xăng dầu Trần Phú… Giữa tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả thậm chí đã ký hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dầu VN để triển khai nghiên cứu đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến do DN này đầu tư theo hình thức PPP như: Trung Lương – Mỹ Thuận, Bắc Giang – Lạng Sơn và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Tán thành quan điểm và cách tiếp cận mới của Bộ GTVT về việc xây dựng các trạm dừng nghỉ quy mô, hiện đại và chuyên nghiệp, mang tính dài hạn, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, dẫn chứng: “Các trạm dừng nghỉ trên cao tốc ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á không chỉ là nơi hành khách và tài xế nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường mà còn phải bao gồm rất nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn, thậm chí cả khu mua sắm thu hút người dân địa phương lẫn du khách. Bản thân Đèo Cả cũng đang nghiên cứu đầu tư các trạm dừng nghỉ với quy mô như vậy. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của DN là cần quan điểm nhất quán từ cơ quan chức năng về quy hoạch các tuyến cao tốc và quy mô trạm dừng nghỉ. Đơn cử, một tuyến cao tốc mở mới nhưng có đường song hành và đường kết nối. Nếu trên tuyến đó lại có nhà đầu tư khác kinh doanh trạm dừng, cạnh tranh trực tiếp với trạm dừng trên tuyến cao tốc thì rủi ro của nhà đầu tư là rất cao”.
Rút ngắn tối đa thủ tục, trình tự
Cơ chế đã có, DN sẵn sàng nhưng chiếu theo thời gian dự kiến của Cục Đường cao tốc thì nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2024, một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc – Nam mới được “xóa trắng” trạm dừng nghỉ. Trong khi đó, nhu cầu ngày càng bức thiết, đặc biệt là khi Bộ GTVT đang đề xuất giới hạn số giờ lái xe liên tục trong ngày của các tài xế xe kinh doanh vận tải. Đồng nghĩa với nhu cầu dừng, nghỉ của các tài xế càng tăng cao hơn.
Ông Phạm Đại Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kinh tế xây dựng VN, đánh giá: Về yếu tố cấp bách, không cần phải bàn thêm, bởi Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu đảm bảo mốc thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Hiện nay, chủ trương đã có, vốn không phải lo bởi các nhà đầu tư sẽ phải cam kết đảm bảo đủ năng lực triển khai dự án. Lo ngại nhất là việc đấu thầu có thể khiến thời gian kéo dài. “Bộ GTVT và các chủ đầu tư có thể vận dụng luật Đấu thầu mới đối với các dự án cấp bách để rút gọn các quy trình. Đơn cử, trước đây thủ tục đấu thầu kéo dài lê thê là do các bước sau khi nhận hồ sơ, trình, xét, duyệt… nhà nước khống chế thời gian. Với luật mới, cơ quan quản lý và chủ đầu tư có thể chủ động thoát ly một số bước, đồng thời làm nhiều công đoạn để rút ngắn đáng kể thời gian triển khai. Bên cạnh đó, trong hồ sơ mời thầu đã bắt buộc nhà đầu tư, nhà thầu cam kết thời gian thi công, hoàn thiện dự án; Cần ràng buộc thật chặt điều kiện này để đảm bảo sau khi có đơn vị trúng thầu, dự án sẽ “về đích” sớm nhất theo đúng kế hoạch. Địa phương cũng cần vào cuộc quyết liệt bàn giao quỹ đất và mặt bằng phục vụ thi công”, ông Hải đề xuất.
Cũng theo ông Phạm Đại Hải, các tuyến đường dự báo có lưu lượng lớn, khả năng sinh lời cao thì chắc chắn việc đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, việc xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc ở vùng sâu, vùng xa, lưu lượng xe thấp, hàng hóa và các loại hình dịch vụ thương mại khó thu lời thì sẽ rất khó thu hút DN tham gia. Trong trường hợp này, nhà nước có thể chủ động bỏ ngân sách ra đầu tư trước, sau đó đấu thầu cho DN tư nhân thuê lại khai thác; hoặc phối hợp với địa phương xây dựng cơ chế đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư như ưu đãi chính sách thuế… Như vậy mới có thể đồng bộ trạm dừng nghỉ với cao tốc để bảo đảm an toàn cho phương tiện tham gia giao thông.
Đề xuất tài xế không được chạy đêm quá 3 tiếng liên tục
Trong dự thảo luật Đường bộ đang xây dựng, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể thời gian lái xe liên tục vào ban đêm và giảm thời gian lái xe trong ngày đối với tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải.
Theo đó, một ngày, tài xế không được cầm lái quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút. Đối với tài xế taxi, xe buýt, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu 5 phút. Các xe khác thời gian nghỉ tối thiểu 15 phút.
Theo quy định hiện hành tại điều 65 luật Đường bộ năm 2008, người lái ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe liên tục quá 4 tiếng và tổng thời gian lái xe không quá 10 tiếng/ngày.
Bộ GTVT cho biết, hiện cả nước có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được cấp phép với khoảng 900.000 phương tiện. Trong đó, có 308.776 xe khách và 566.870 xe tải các loại. Số lượng tài xế kinh doanh vận tải trên 1 triệu người.
Qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, mặc dù các địa phương đã tăng cường xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 tiếng, chạy quá tốc độ…
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phân tích trên 11.043 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2022 chỉ ra rằng, tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó có 40,33% số vụ xảy ra từ 16 – 22 giờ và 18,24% số vụ xảy ra từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.
Đủ hành lang pháp lý để đẩy nhanh thủ tục
Theo Bộ GTVT, Thông tư 01 giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đẩy nhanh việc thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư 26 trạm dừng nghỉ còn lại thuận tiện hơn. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ; phương pháp lựa chọn nhà đầu tư và làm sao để lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất. Các chủ đầu tư đã đủ công cụ pháp lý để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam.