Phải thảo luận kỹ lưỡng, tránh vội vàng
Phát biểu tại hội thảo góp ý xây dựng dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 4.7, tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho biết lần nào sửa luật Thuế TTĐB, các doanh nghiệp đều rất quan tâm, sốt sắng bởi vì tác động trực tiếp đến ngành hàng.
“Hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến doanh nghiệp như thuế bảo vệ môi trường, thủ tục hành chính… Các thủ tục hành chính đình trệ gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đồ uống… Do đó, việc tăng thuế trong bối cảnh hiện nay có lẽ là chưa phù hợp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ: “Việc đánh giá toàn diện về sửa đổi luật Thuế TTĐB, cơ quan tham mưu soạn thảo nên đánh giá sự cần thiết một cách kỹ lưỡng theo cách không phải là sự cần thiết nói chung của việc sửa đổi luật, mà sự cần thiết tính này phải tính đến từng loại sản phẩm”.
Liên quan câu hỏi khi nào có sự thay đổi về mặt nội dung về thuế suất, phương pháp đánh thuế, ông Hiếu cho rằng phải có công thức để quyết định khoảng thời gian bao lâu. Thời gian này bằng thời gian doanh nghiệp bị tác động có thể duy trì sản xuất, kinh doanh cộng với thời gian cần thiết để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu như có sự thay đổi luật.“Điều này rất quan trọng và phải thảo luận kỹ lưỡng, tránh vội vàng”, ông Hiếu nói.
Nhấn mạnh trong 30 năm qua, đây là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam khó khăn nhất, chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nhất, TS Nguyễn Đình Cung phân tích: thời gian vừa qua, dồn dập các tác động ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.
Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Khó khăn không phải là 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng mà khó khăn này kéo dài 5 – 7 năm. Việt Nam phải tăng trưởng đến 7 – 8% thì mới phục hồi, chứ không thể lắt nhắt từng quý, từng tháng. Động lực, niềm tin của doanh nghiệp khó có thể phục hồi.
“Trong bối cảnh như thế, tinh thần của Chính phủ là thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích. Phía Nhà nước cần thảo luận sử dụng nguồn thu có hiệu quả; chính sách tài khóa không tập trung vào thu mà là về phía chi. Nghĩa là chi thế nào cho hiệu quả, chứ không phải tăng thu”, ông Cung nói.
Cân nhắc lộ trình tăng thuế hợp lý
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng về xu hướng chung toàn cầu, việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất – tiêu dùng một cách hợp lý là phù hợp và là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm…
Trong các giải pháp chính sách thuế TTĐB cho bia rượu được Bộ Tài chính nghiên cứu cũng như được các tổ chức, cá nhân đề xuất qua quá trình đóng góp ý kiến đối với dự án luật, việc Nhà nước tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ như hiện nay là hoàn toàn hợp lý.
“Cần cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Như vậy, một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt”, bà Quỳnh Anh nói.
Cho rằng nhu cầu sử dụng bia rượu là rất thật trên nhiều khía cạnh đời sống của mọi tầng lớp dân cư, song TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng khẳng định việc sử dụng quá mức/lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn, thậm chí tiêu cực cho xã hội về đảm bảo sức khỏe và cả an toàn, ổn định xã hội. Đây chính là lý do ra đời của thuế TTĐB.
Chuyên gia này đánh giá, chính sách của Chính phủ là tìm giải pháp cân bằng đối với cung – cầu rượu bia nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội (đáp ứng nhu cầu cần thiết, lành mạnh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực), nguồn thu ngân sách.
Xem xét các chiều cạnh mục tiêu chính sách, thực trạng và đặc điểm thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay, ông Võ Trí Thành đề xuất giữ nguyên phương pháp tính thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5 – 10%.
Bên cạnh đó, cân nhắc khoảng năm 2030, có thể áp dụng phương pháp đánh thuế TTĐB hỗn hợp với bia rượu.
Ngày 21.6 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế TTĐT (sửa đổi).
Những nội dung chính của luật được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi gồm: mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa, dịch vụ như: nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới…; bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế TTĐB; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.