Tôi đọc qua bài viết Tại sao phanh trước trên xe máy không bố trí bên tay trái? Trước hết, cảm ơn bạn Nguyễn Thực vì đã đặt một câu hỏi rất hay, thú vị. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người khác có thắc mắc giống bạn. Về quan điểm cá nhân, tôi xin được nêu ra hai lý do chính như sau.
Điều đầu tiên tôi muốn nhắc tới là sự đồng nhất với bố trí điều khiển tiêu chuẩn. Đa số xe ga và xe máy nói chung đều tuân theo bố trí điều khiển chung. Trong đó, tay phải điều khiển ga và phanh trước, tay trái điều khiển côn (nếu có) và phanh sau. Bố trí này giúp đồng nhất qua các mẫu xe khác nhau, giúp người lái dễ dàng chuyển đổi giữa các loại xe khác nhau và đảm bảo mỗi tay sẽ phụ trách một nhiệm vụ chính.
Tôi giả sử nếu thiết kế phanh sau bên phía tay phải. Mỗi lần bạn muốn phanh bạn phải giảm ga trước, sau đấy mới phanh để đảm bảo an toàn. Trong khi, nhiều trường hợp bạn cần sử dụng cả hai, vừa ga vừa phanh (tôi nhắc tới ở phần sau). Ngoài ra, nếu bố trí phanh sau – tay phải, tay trái bạn sẽ ít phải hoạt động hơn. Trong khi tay phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn. Hơn nữa việc bố trí như hiện nay dẫn tới yêu cầu người lái phải sử dụng cả hai tay, tránh tình huống vừa đi xe vừa sử dụng điện thoại hoặc làm những việc khác.
Thứ hai là yếu tố an toàn và ổn định. Để đảm bảo an toàn, khi khởi động xe ga, chúng ta đều phải bóp phanh. Khi để phanh sau – tay trái, bạn khởi động xe, tay phải của bạn có thể dễ dàng điều khiển ga để tăng tốc mà vẫn kiểm soát được tốc độ an toàn ban đầu. Đặt phanh sau – bên trái cho phép người lái có thể dùng phanh sau trong khi vẫn giữ tay phải trên ga. Điều này mang lại sự kiểm soát và ổn định tốt hơn. Ví dụ những lúc cần phải rà thắng và lên ga như: xe dừng giữa dốc, xe chạy trên những con đường trơn trượt hoặc rất hẹp, phải chạy tốc độ chậm lúc này không thể vừa lên ga vừa bóp phanh trước – tay phải được (chỉ có thể bóp phanh sau – tay trái). Ngoài ra, trong tình huống phanh gấp, người lái có thể điều chỉnh cùng lúc vừa giảm ga – tay phải và bóp phanh sau – tay trái. Tất nhiên khi phanh gấp an toàn người lái nên dùng cả hai phanh.
Đấy là hai lý do mà tôi nghĩ vì sao họ thiết kế phanh sau – tay trái. Qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ thêm về cách phanh xe an toàn. Theo chia sẻ của nhiều người sử dụng xe tay ga thì phanh tay bên phải dễ gây ra tai nạn hơn. Việc sử dụng phanh bên phải một cách đột ngột và bóp quá mạnh sẽ khiến bánh trước dễ bị bó cứng, dẫn đến đầu xe bị trượt trên đường và gây ra tai nạn cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng sử dụng phanh sau an toàn hơn, nhưng trên thực tế phanh sau (phanh bên trái) phanh đột ngột thì đó là phanh chết. Khi bánh trước chưa dừng hẳn mà bánh sau dừng bất ngờ sẽ xảy ra hiện tượng rê bánh sau, dễ mất điều khiển và có thể bị té.
Do đó khi đi xe tay ga phanh như thế nào cho đúng cách, bạn cần phải điều khiển tốt, làm chủ được tốc độ, quãng đường phanh và thời gian xe dừng lại một cách hợp lý. Tốc độ chạy xe càng cao thì khi phanh sẽ cần nhiều thời gian hơn để dừng lại, và quãng đường phanh cũng dài ra. Do đó khi tham gia giao thông bạn phải làm chủ được tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước và bình tĩnh để xử lý các chướng ngại vật trên đường.
Bên cạnh đó, khi đang điều khiển xe máy bạn hãy đặt vài ngón tay của mình nên tay phanh và luôn trong tư thế bóp thắng bất cứ lúc nào, trong trường hợp chạy bình thường và xác định được điểm dừng thì chỉ cần bóp phanh trái từ từ và bóp nhả phanh phải cho xe dừng lại theo ý muốn. Còn nếu trong trường hợp khẩn cấp thì bạn cần phải thật bình tĩnh và sử dụng cả 2 phanh cùng lúc nhưng không nên bóp chặt phanh, trong cả 2 trường hợp nên nhả hết tay ga như vậy sẽ an toàn và hiệu quả hơn.
Hy vọng với câu trả lời và chia sẻ của mình sẽ giúp giải đáp phần nào thắc mắc của bạn.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người sống và làm việc tại Hà Nội. Đóng góp bài viết, câu hỏi xin gửi về xe@thanhnien.vn hoặc thainguyenthanhnien@gmail.com.