Chuyển động mới của các đường vành đai
Bên cạnh các đường Vành đai 2, 3 đang có những chuyển biến tích cực, nếu những kiến nghị liên quan đường Vành đai 4 được chấp thuận, TP HCM cùng nhiều địa phương sẽ phát triển nhanh hơn.
UBND TP HCM vừa có báo cáo khẩn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM.
Vành đai 3 đang vào chặng bứt tốc (ảnh chụp công trường tại phường Long Bình, TP Thủ Đức)
|
Nhận diện rõ vấn đề
Tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 TP HCM hơn 206 km. Tuyến đường này đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu 18,7 km, Đồng Nai 45,6 km, Bình Dương 47,4 km, TP HCM 17,3 km, Long An 78,3 km. Trong văn bản trên, TP HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương thuê một đơn vị tư vấn tổng thể để nghiên cứu, rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được kiến nghị tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng Vành đai 4 TP HCM nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cũng theo UBND TP HCM, các địa phương dự án đi qua cho biết quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đang gặp một số trở ngại như chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4 bởi đây thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia các dự án lớn trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án…
Do vậy, 5 địa phương thống nhất thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, thống nhất UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 cũng như được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác… Các địa phương cho rằng cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo UBND TP HCM, nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng Vành đai 4 nên có nội dung cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Vành đai 2 dự kiến có nhiều chuyển động trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Tăng tốc 2 đường vành đai
Theo quy hoạch, 3 tuyến đường Vành đai 2, 3, 4 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường Vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường Vành đai 3, Vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vành đai 3 TP HCM dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Dự án này đi qua TP HCM 46 km, Bình Dương hơn 10 km, Đồng Nai 11 km và Long An 6,81 km. Hiện nay, Vành đai 3 đang vào chặng bứt tốc, các địa phương đang khẩn trương để dự án về đích đúng kế hoạch.
Với Vành đai 2, quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64 km đi qua quận 7, 8, 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và TP Thủ Đức, công trình được xác định có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể là giúp giảm áp lực giao thông cho nội đô, giúp kết nối cảng biển với các tuyến giao thông quan trọng khác như Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra, tuyến đường có ý nghĩa quan trọng tăng tính liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho khu Đông và khu Nam thành phố.
Sau nhiều năm chưa triển khai, 3 đoạn Vành đai 2 TP HCM, dài hơn 8,7 km đi qua TP Thủ Đức, dự kiến sẽ khởi công trong giai đoạn 2024-2025. Đây là 3 trong 4 phân đoạn còn lại thuộc tuyến Vành đai 2 chưa khép kín.
Trong đó, đoạn 3 dài 2,7 km, rộng 67 m từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), tổng vốn hơn 2.500 tỉ đồng.
Tháng 3-2020, khi mới đạt gần 44% khối lượng thì đoạn này dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư… Đến nay, công trình đang có sự chuyển mình khi UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành, làm cơ sở để đạt mốc hoàn thành vào năm 2026.
Ngoài ra, đoạn 1 dài 3,5 km từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp được đầu tư giai đoạn 1 với mức vốn khoảng 9.328 tỉ đồng. Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỉ đồng đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư cuối năm 2023, hiện nay chủ đầu tư đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Giao quyền tự quyết nhiều hơn UBND TP HCM cho biết sẽ chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể dự án Vành đai 4. Việc này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, để dự án Vành đai 4 triển khai được, Trung ương cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho các địa phương. Theo đó, cần mạnh dạn giao quyền tự chủ tự quyết cho TP HCM và các tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, công tác thiết kế cơ sở cũng giao các địa phương chủ động để phù hợp địa hình, địa mạo như đề xuất của TP HCM là làm cầu cạn thay cho nền hạ nhằm tránh tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cũng như phù hợp biến đổi khí hậu.
|
PHAN ANH – THU HỒNG