Chính phủ Ấn Độ chủ trương đẩy mạnh phát triển điện mặt trời, xem đây là một nguồn quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của đất nước tỷ dân. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện mặt trời trên toàn cầu và mong muốn Việt Nam chung sức trong việc này.
Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, Ấn Độ xem điện mặt trời là trọng tâm. Theo cam kết mà New Delhi đưa ra, đến năm 2030, gần một nửa tiêu thụ năng lượng của nước này là các nguồn năng lượng không phải nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, điện mặt trời sẽ đóng góp ít nhất 60% cơ cấu năng lượng tái tạo. Quốc gia đông dân nhất thế giới đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt năng lực sản xuất 500 GW điện không đến từ các nguồn năng lượng hóa thạch.
MỤC TIÊU LỚN CỦA ẤN ĐỘ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn về năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực này. Tháng 10/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Ấn Độ cán mốc công suất 200 GW năng lượng từ các nguồn tái tạo.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với lĩnh vực điện mặt trời ở Ấn Độ là sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc – quốc gia chiếm 80% chuỗi cung ứng điện mặt trời toàn cầu. Một số quốc gia như: Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cũng xuất khẩu trang thiết bị điện mặt trời sang Ấn Độ, nhưng những nước này cũng phụ thuộc vào nguồn vật liệu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh mối quan hệ Ấn – Trung căng thẳng, việc giảm nhập khẩu từ Trung Quốc là một nhiệm vụ cấp bách.
Để làm được việc này, Ấn Độ đã khởi động các chính sách nhằm khuyến khích sản xuất tấm pin mặt trời trong nước. Chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà sản xuất trong nước đăng ký với Viện Năng lượng mặt trời Quốc gia (NISE) và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu chất lượng trong các cuộc đấu thầu của Chính phủ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng thành công của những chính sách này tùy thuộc vào việc liệu Ấn Độ có cân bằng được giữa sản xuất trong nước và đảm bảo mức giá phải chăng cho người tiêu dùng hay không.
Phát triển năng lượng tái tạo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, nhưng đảm bảo tính khả thi và bền vững của việc này là một việc gần như bắt buộc. Cho tới nay, việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình ở Ấn Độ vẫn gặp trở ngại đặc biệt lớn từ chi phí lắp đặt lớn và các thủ tục trợ cấp còn phức tạp. Những thách thức này cần được giải quyết để giải phóng tiềm năng của hệ thống năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tập trung vào các thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác chiến lược để phát triển năng lực sản xuất điện mặt trời. Việc hợp tác với các nước như Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các quốc gia vùng Vịnh khác có thể giúp Ấn Độ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong lĩnh vực điện mặt trời, đồng thời đảm bảo nguồn cung vật liệu ổn định để sản xuất tấm pin mặt trời.
Lĩnh vực điện mặt trời của Ấn Độ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ giá tấm pin mặt trời giảm xuống, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nhận thứ ngày càng gia tăng của người dân nước này về các vấn đề môi trường. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một quốc gia xuất khẩu ròng trong lĩnh vực điện mặt trời vào năm 2026.
Bên cạnh đó, New Delhi cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thể hiện vai trò tiên phong trong việc phát triển điện mặt trời trên phạm vi toàn cầu. Liên minh Mặt trời Quốc tế (ISA) do nước này khởi xướng và dẫn đầu hiện đã có 120 quốc gia thành viên.
Trong cuộc gặp mới đây với đoàn báo chí các nước thuộc Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng giám đốc Ajay Mathur của ISA cho biết liên minh này có tầm nhìn đạt năng lực 1.000 MW điện mặt trời vào năm 2030, mang lại lợi ích cho hàng tỷ người ở khắp các quốc gia và thu hút khoảng 1 nghìn tỷ USD vốn đầu tư.
Ông Mathur nói hiện có 3 vấn đề mà bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm trong lĩnh vực điện mặt trời. Thứ nhất, ở nhiều nước, người dân có khả năng tiếp cận năng lượng thấp, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Thứ hai, quốc gia nào cũng muốn đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị phức tạp. Và thứ ba, chuyển đổi năng lượng đang được nhiều quốc gia thúc đẩy để chống lại biến đổi khí hậu.
Trước khi trở thành người đứng đầu ISA, ông Mathur đã có thời gian giữ vai trò Tổng giám đốc Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ và Tổng giám đốc Cục Hiệu quả năng lượng Ấn Độ.
LỢI ÍCH CỦA VIỆT NAM KHI VÀO LIÊN MINH
Nói về cách tiếp cận của ISA trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên, ông Mathur nói: “Chúng tôi phân tích tình hình của các quốc gia trong liên minh để tư vấn mỗi nước nên vạch ra kế hoạch như thế nào để phát triển điện mặt trời. Xây dựng công suất điện mặt trời là chìa khóa, vì nếu không làm việc này, sẽ không có sự dịch chuyển nào cả. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra sự hỗ trợ đã được chương trình hóa để các quốc gia có thể thiết lập dự án và vạch ra chính sách cho điện mặt trời”, ông Mathur cho biết.
Hiện tại, ISA đang hỗ trợ 104 quốc gia, dưới dạng xây dựng chương trình hoặc phát triển công suất điện mặt trời. Các hoạt động này chủ yếu được tài trợ bởi Liên minh châu âu (EU), Austalia, Mỹ và một số nước khác như Anh, Botswana, Uganda… Bên cạnh các dự án điện mặt trời lớn, ISA còn thúc đẩy ứng dụng điện mặt trời ở các vùng nông thôn như lưới điện mặt trời mini, sử dụng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, làm ấm và làm mát…
Theo ông Mathur, một trong những lĩnh vực mà ISA đặc biệt quan tâm hiện nay là làm thế nào để thúc đẩy các startup trong lĩnh vực điện mặt trời. “Các startup sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong việc phát triển các dự án điện mặt trời tại các quốc gia. Nhận thức được điều này, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi có tên SolarX dành cho các startup và chọn ra được 20 startup ở khu vực châu Phi, 20 ở châu Á và 10 Ấn Độ để hỗ trợ”, ông cho biết.
Tại khu vực Đông Nam Á, hiện mới chỉ có Myanmar, Campuchia và Singapore là thành viên của ISA. Tổ chức này hiện đang kêu gọi các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, gia nhập tổ chức này. “Việc quan trọng là chúng tôi có thể hợp tác với tất cả các quốc gia để hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều nước có khả năng tiếp cận năng lượng thấp, và chúng tôi muốn cùng nhau giải quyết vấn đề này”, ông Mathur nói nói.
Về các lợi ích Việt Nam có thể có được khi tham gia ISA, ông Mathur cho rằng có hai lợi ích chính.
Trong đó, lợi ích thứ nhất đến từ việc Việt Nam đã và đang chú trọng phát triển lĩnh vực điện mặt trời. “Hệ thống năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình rất phổ biến ở Việt Nam và Việt Nam đã có nhiều nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Vì vậy, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Khi ISA hỗ trợ các quốc gia phát triển điện mặt trời, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin để các thành viên trong liên minh có thể tham gia vào các dự án đó”, ông nói.
Lợi ích thứ hai liên quan đến việc Việt Nam đang dành những chính sách ưu đãi lớn cho năng lượng mặt trời, bao gồm khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhưng ông Mathur cho rằng những chính sách này là không bền vững trong dài hạn. “Bởi vậy, khi tham gia vào ISA, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia các cuộc thảo luận về chính sách như thế nào là bền vững đối với điện mặt trời. Việt Nam sẽ học hỏi được 120 quốc gia đang là thành viên ISA”, ông nhấn mạnh.