Ngày 19/12/2024 tại TP. Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tuyến về Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Diễn đàn tập trung vào việc phổ biến kiến thức, thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, từ đó giúp nông dân chủ động phòng chống sinh vật gây hại, giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường.
CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ CÂY TRỒNG
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết biến đổi khí hậu hiện đang diễn ra ngày càng khó lường. Các hiện tượng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây trồng, đời sống người dân.
“Nguy hiểm hơn, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho các loại sinh vật gây hại mới phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho sản xuất. Vì vậy, trong trồng trọt, sử dụng phân bón và thuốc bảo vật đang thay đổi theo xu hướng chung là an toàn, thông minh, từ đó tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và giúp nông dân giảm chi phí sản xuất”, ông Lê Văn Thiệt chia sẻ.
Chương trình Quản lý sức Khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được triển khai tại Việt Nam từ năm 2021, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO). Mục tiêu của chương trình là tăng cường sức khỏe cây trồng, cải thiện khả năng phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo ông Thiệt, thống kê hiện nay cả nước đã khoảng 400.000 nông dân, 15.000 đại lý sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xây dựng được 1.300 bể chứa thu hồi vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Trong Đề án tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, mục tiêu đến năm 2025 nâng công suất sản xuất phân hữu cơ tăng từ 4 triệu tấn lên 5 triệu tấn, 100% các tỉnh, đại lý được tập huấn về phân bón hữu cơ. Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp với các hiệp hội, tổ chức để nhân rộng việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ Thực vật), mục tiêu dài hạn của IPHM là đạt tỷ lệ áp dụng trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả và cây dược liệu, đồng thời giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ, qua đó tăng hiệu quả kinh tế lên 15-20% so với phương thức sản xuất thông thường.
“Thực hiện chương trình đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM, tổ chức các lớp tập huấn và phát triển các mô hình thực tế tại các tỉnh thành, góp phần nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho nông dân”.
Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ Thực vật).
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam, cho rằng trong kiểm soát sinh vật gây hại cây trồng, chỉ sử dụng thuốc hoá học khi cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học có độ độc thấp.
“Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học không chỉ an toàn cho sức khỏe con người và môi trường mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có giá thành cao hơn và hiệu quả phòng trừ chậm hơn so với thuốc bảo vệ thực vâtj hóa học. Do đó, cần áp dụng một cách linh hoạt và cân bằng giữa các loại thuốc hóa học và sinh học để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống sinh vật gây hại”, ông Sơn khuyến nghị.
NHIỀU TIẾN BỘ, CÔNG NGHỆ MỚI TRONG TRỒNG TRỌT
Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu những công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ông Lê Văn Hải – Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam chia sẻ về sản phẩm phân bón sinh học BioStimulant, một công nghệ giúp tăng cường hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng từ phân bón và giảm thiểu thất thoát chất dinh dưỡng qua quá trình rửa trôi hoặc bay hơi.
Phân bón Bio Stimulant không chỉ áp dụng hiệu quả trên cây trồng mà còn được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản, bổ sung thức ăn cho tôm và cá tại một số nhà máy ở Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm này đã được kiểm nghiệm thành công ở Cà Mau, nơi có đất phèn và đất nhiễm mặn.
Ngoài ra, BiOWISH còn áp dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất phân bón, giúp tối ưu hóa quá trình chuyển hóa nitơ và phốt pho, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Theo ông Hải, phân bón sinh học này có thể giúp giảm 10% lượng nitơ sử dụng cho cây lúa, từ đó giảm lượng khí thải N2O và CO2, góp phần bảo vệ môi trường.
Một điểm đáng chú ý là BiOWISH còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, đặc biệt là khí N2O từ việc sử dụng phân đạm. Sản phẩm BIO EFF có khả năng giảm 10% lượng nitơ sử dụng cho diện tích 1 triệu ha lúa, giúp giảm phát thải 429.448,26 tấn CO2e hàng năm.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, việc sử dụng BiOWISH giúp giảm hệ số phát thải khí nhà kính lên đến 61,9% so với phương pháp đối chứng. Với những đóng góp này, BiOWISH không chỉ giúp nông dân tăng trưởng sản xuất mà còn góp phần vào nỗ lực giảm thiểu tác động của nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu.
Một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện chương trình IPHM là bảo vệ môi trường. Việc giảm thiểu rác thải nông nghiệp, đặc biệt là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được triển khai tích cực. Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Marketing Công ty Tân Thành, cho biết công ty đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, đổi quà cho nông dân, đã thu gom được gần 550 tấn vỏ chai và hạn chế hơn 90 tấn rác thải nông nghiệp ra môi trường.
Ông Trần Văn Trưa, Giám đốc Phát triển thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Syngenta Việt Nam chia sẻ, với mong muốn mang lại những giá trị dài hạn và bền vững cho nông dân, những năm qua, công ty đã phát triển nhiều chương trình đồng hành cùng nhà nông Việt nâng cao năng suất và chất lượng mùa vụ thông qua kỹ thuật canh tác hiện đại.
Từ năm 2015 đến nay, Công ty Syngenta đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp địa phương thực hiện chương trình môi trường sạch, cuộc sống xanh; với cam kết tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân về bảo vệ môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
“Thông qua chương trình, hơn 30.000 nông dân được tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm với môi trường; hơn 180 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thu gom và tiêu hủy an toàn”, ông Trưa khẳng định.
Đặc biệt, Công ty Syngenta đang phát triển nhiều công nghệ hiện đại như amistar, miravis, tymirium (công nghệ đột phá trong quản lý tuyến trùng và nấm gây bệnh trên cây trồng)… nhằm nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng; tạo thuận lợi cho nông dân gia tăng giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường.