Giá vàng miếng SJC trưa 19.2 (ngày Thần tài) giảm mạnh từ 900.000 đến 1,3 triệu đồng mỗi lượng, trong đó giá mua vào của các đơn vị kinh doanh có tốc độ xuống nhanh hơn. So với mức giá ngày 18.2, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC giảm giá mua vào vàng miếng 1,3 triệu đồng, xuống còn 74,5 triệu đồng; trong khi đó giá bán vàng giảm 900.000 đồng, xuống còn 77,5 triệu đồng. Tập đoàn Doji cũng giảm mạnh giá mua vàng miếng SJC 1,25 triệu đồng/lượng, xuống còn 74,5 triệu đồng; giá bán ra giảm 850.000 đồng, còn 77,5 triệu đồng…
Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC kéo giãn lên 3 triệu đồng mỗi lượng. Những người mua vàng thời điểm này đồng nghĩa với việc chịu lỗ ngay 3 triệu đồng. Như vậy, trong 3 ngày trở lại đây, vàng miếng SJC đã “bốc hơi” từ 1,5 – 2,3 triệu đồng mỗi lượng.
Đối với vàng nhẫn 4 số 9, giá giảm nhẹ 100.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC giảm giá vàng nhẫn còn 63,4 triệu đồng, bán ra ở mức 64,7 – 64,8 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng giảm giá mua vào xuống còn 64,5 triệu đồng, bán ra 65,9 triệu đồng…
Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng 7 USD/ounce, lên 2020 USD/ounce đã giúp mức đắt đỏ của vàng trong nước được rút ngắn lại. Vàng miếng SJC cao hơn quốc tế còn 17,35 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 4,65 – 5,75 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân của giá vàng trong nước đi xuống, ngược chiều so với kim loại quý trên thị trường quốc tế đến từ việc lực mua vàng ngày Thần tài xuất hiện ở vàng nhẫn, những sản phẩm khác liên quan đến Thần tài, còn vàng miếng SJC giao dịch thấp. Một số công ty kinh doanh vàng cho hay do chênh lệch giữa giá mua và bán tăng lên 3 triệu đồng/lượng. Lực bán vàng xuất hiện khiến giá mua giảm nhanh hơn bán ra.