Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 4/7, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh tầm quan trọng của các Nghị quyết chiến lược vừa được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đây là văn kiện lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân thực sự trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia, đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững.
Trong bối cảnh đó, báo chí vừa là kênh thông tin, vừa là người bạn đồng hành, vừa là lực đẩy tinh thần, góp phần lan tỏa những mô hình tốt, câu chuyện hay, cách làm sáng tạo, khích lệ tinh thần khởi nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
BÁO CHÍ LÀ CẦU NỐI, GÓP PHẦN THỰC HIỆN HÓA CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH
Theo ông Võ Tân Thành, thực tiễn sau gần 40 năm đổi mới đã chứng minh vai trò then chốt của kinh tế tư nhân, khi khu vực này hiện đóng góp khoảng 50% GDP và tạo ra phần lớn việc làm cho xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 7,3% là một con số ấn tượng thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, đã phản ánh niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vào các định hướng phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cố hữu. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực công nghệ, quản trị và chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Điều này dẫn đến khả năng cạnh tranh và năng lực chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu còn khá khiêm tốn.
Để khắc phục những điểm yếu này và hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, ông Võ Tân Thành khẳng định sự đồng hành của báo chí có ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng về đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hành động.

Báo chí được kỳ vọng sẽ là cầu nối, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin và tự hào dân tộc trong mọi người dân. Từ đó tạo ra động lực xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước thịnh vượng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, cho biết trong bối cảnh Nghị quyết 68 thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, các cơ quan báo chí đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, giúp các chủ trương lớn đi vào cuộc sống.
“Chính những định hướng từ báo chí đã góp phần giúp ngành ngân hàng hoạt động với hiệu quả thiết thực hơn trong việc cung cấp các nguồn vốn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo bà Phạm Thị Nhật, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đô thị Phúc Thành, báo chí không chỉ là người bạn đồng hành mà còn là cầu nối quan trọng, góp phần truyền tải tiếng nói của doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn báo chí tiếp tục phát huy vai trò đồng hành, chia sẻ thông tin, phản ánh kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời tham mưu, kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ các bất cập về thể chế nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 68, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Đây cũng là cách thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển, đồng thời thể hiện vai trò đồng hành giữa báo chí và cộng đồng doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Nhật cho biết.
BÁO CHÍ TP.HCM TRƯỚC SỨ MỆNH MỚI TRONG KHÔNG GIAN KINH TẾ MỞ RỘNG
Tại tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho rằng sau khi hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào địa giới hành chính, TP.HCM trở thành một địa bàn kinh tế rộng lớn với số lượng doanh nghiệp đông đảo. Sứ mệnh thông tin, kết nối và lan tỏa của báo chí Thành phố do đó vừa là trọng trách lớn lao, vừa là một thách thức không hề nhỏ.
Với bối cảnh lịch sử như vậy, vai trò báo chí cách mạng cùng cột mốc 100 năm lịch sử mà chúng ta đã kỷ niệm bằng hàng loạt chuỗi sự kiện trọng đại nhân 21/6 vừa qua, sẽ càng cần được phát huy trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bền vững.

Theo Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, báo chí có vai trò nổi bật trong thông tin, kiến tạo, định hướng, dẫn dắt nhận thức và hành động; góp phần tương hỗ cho tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, lan tỏa thương hiệu văn hóa và doanh nghiệp, tăng thêm uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, báo chí trong kỷ nguyên chuyển đổi số, hội nhập sâu rộng và toàn cầu hoá mạnh mẽ, nhiều cơ hội và trọng trách trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp theo hướng nhân văn, liêm chính, trách nhiệm và đổi mới sáng tạo.
Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, đánh giá cao vai trò tiên phong của TP.HCM trong việc công khai, minh bạch hóa thông tin thông qua mô hình như Trung tâm Báo chí Thành phố.
Sắp tới, TP.HCM cũng sẽ tiến hành sắp xếp lại hệ thống báo chí theo hướng tinh gọn, mạnh mẽ hơn, trong đó các hoạt động của báo chí phải gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp và Thành phố.