Hiện nay, không ít người dùng ô tô thích “cá nhân hóa” chiếc xe của mình bằng cách lắp thêm các loại phụ tùng, phụ kiện trên xe. Một trong số đó là bộ ốp thể thao bodykit. Bộ phận này trên nhiều mẫu xe được nhà sản xuất, phân phối gắn thêm theo nhu cầu của khách mua xe, bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp đặt mua hoặc mang xe ra các “lò độ” để gắn.
Việc gắn thêm bộ “bodykit” giúp ngoại hình xe trở nên mạnh mẽ, thể thao hơn… Tuy nhiên, kèm theo, bộ phận này cũng ảnh hưởng không ít đến khả năng vận hành của xe, đồng thời khiến chủ xe gặp phiền toái khi đi đăng kiểm, bảo hiểm xe. Dưới đây là 5 ảnh hưởng của việc lắp ốp thể thao bodykit quanh thân xe:
Làm tính khí động học của xe kém đi
Phần lớn các phụ kiện ô tô bán trên thị trường hiện nay đều chủ yếu “làm đẹp” cho xe, ốp thể thao bodykit cũng không phải ngoại lệ. Một bộ bodykit cho ô tô thường gồm ốp cản trước, sau và ốp dọc hai bên thân xe. Việc lắp các chi tiết này không chỉ khiến trọng lượng xe gia tăng mà có ảnh hưởng đến luồng không khí lưu thông, hệ số cản gió của xe tăng, làm tính khí động học của xe kém đi. Qua đó, khiến xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn khi chạy ở tốc độ cao. Đôi khi có thể gây ra tiếng ồn do luồng không khí lưu thông bị thay đổi so với thiết kế của xe.
Thực tế, các bộ ốp thể thao bodykit trên mỗi xe khi thiết kế chế tạo đều được thử nghiệm trong một đường hầm gió. Do đó, nếu lựa chọn không đúng và gắn những loại được bán trôi nổi trên thị trường có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe.
Ảnh hưởng đến kết cấu thân xe
Việc lắp đặt bộ ốp thể thao bodykit trên xe nếu đó không phải phụ kiện do hãng xe cung cấp mà do các nhãn hiệu hay các cửa hàng phụ tùng, phụ kiện khác cung cấp có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu thân xe. Bởi để lắp đặt, thợ tại các cửa hàng bán phụ tùng phải khoan vào thân xe và bắt vít để cố định. Điều này, có thể gây gỉ sét nếu chi tiết được khoan, đục làm bằng kim loại.
Nguy cơ xe bị hư hỏng cao hơn
Lắp đặt bộ ốp thể thao bodykit ít nhiều sẽ khiến kích thước thân xe gia tăng, nhất là về chiều dài. Bên cạnh đó, có thể khiến khoảng sáng gầm xe bị hạn chế, do đó khi đi lái xe lên dốc, qua các cung đường xấu hay xoay trở xe trong các đoạn đường chật hẹp rất dễ xảy ra va chạm.
Khó khăn trong việc đăng kiểm, bảo hiểm có thể không bồi thường thiệt hại
Thông thường nếu lắp thêm phụ kiện sau khi mua bảo hiểm xe ô tô, Các công ty bảo hiểm có quyền không bồi thường thiệt hại cho phụ kiện. Bên cạnh đó, ô tô gắn “độ” ốp thể thao bodykit cũng có thể bị từ chối đăng kiểm.
Giá bán lại thấp hơn
Mặc dù một bộ ốp thể thao bodykit trên ô tô có giá hơn chục triệu đồng nhưng việc bán những chiếc xe đã qua sử dụng có gắn “độ” phụ kiện sẽ không được giá như xe nguyên bản. Bởi không ít người thường ngại mua ô tô đã được độ, gắn nhiều phụ kiện do lo ngại ảnh hưởng đến an toàn và kết cấu xe.