Việt Nam có 752 người siêu giàu, nhiều ‘đại gia’ chưa lộ diện
Thống kê của Knight Frank cho thấy, Việt Nam có 752 người siêu giàu và số lượng sẽ tăng nhanh thuộc top 5 tại châu Á – Thái Bình Dương.
Theo báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh), số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 tăng 2,4% so với năm trước đó, lên 752 người. Tốc độ gia tăng này khá cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Người siêu giàu là những cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng hơn 740 tỷ đồng tính theo tỷ giá 24.820 đồng/USD của Vietcombank công bố ngày 13/3).
Tại Đông Nam Á, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của Thái Lan, nhưng thấp hơn mức 4,3% của Malaysia và 4,2% của Indonesia, hay 4% của Singapore.
Tuy nhiên, theo Knight Frank, từ năm 2023 tới 2028, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam nhanh hàng đầu thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (với mức tăng 30%), chỉ xếp sau Ấn Độ (+50,1%), Trung Quốc (+47%), Thổ Nhĩ Kỳ (+42,9%), Malaysia (+34,6%).
Tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam được dự báo cao hơn Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore trong giai đoạn 2023-2028.
Theo Knight Frank, tới năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu.
Cũng theo công ty tư vấn và kinh doanh bất động sản toàn cầu có trụ sở tại London, giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ. Việc nhập khẩu đồ xa xỉ tại Việt Nam được ghi nhận tăng rất cao, nhất là với xe sang, trang sức,…
Tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt so với thế giới và tầng lớp trung lưu tăng mạnh.
Danh sách người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD.
6 tỷ phú USD
Theo Forbes, trong danh sách tỷ phú USD thế giới, tính đến ngày 13/3, Việt Nam có 6 đại diện, với tổng giá trị tài sản đạt 14 tỷ USD. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đứng đầu danh sách.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản 4,4 tỷ USD. Chủ tịch VietJet Air (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí số 2 với 2,8 tỷ USD. Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long đứng ở vị trí số 3 với 2,6 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở các vị trí tiếp theo với 1,8 tỷ USD, 1,2 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.
So với bảng xếp hạng năm 2022, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam giảm 1 người. Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn rớt khỏi danh sách khi cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh trong năm 2022 và 2023. Đầu năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn có tài sản 2,9 tỷ USD.
Hà Nội có nhiều tòa nhà cao tầng với những căn hộ có giá cả triệu USD. Ảnh: HH
|
Khoảng 180 người siêu giàu trên sàn chứng khoán
Danh sách 752 người siêu giàu Việt trong năm 2023 không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD và là những người siêu giàu.
Ngoài 6 tỷ phú USD trên, còn hàng loạt người liên quan với các tỷ phú này như vợ ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương (nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị tính tới ngày 13/3 là 7.700 tỷ đồng); bà Vũ Thị Hiền – vợ ông Trần Đình Long (12.300 tỷ đồng); bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – vợ ông Hồ Hùng Anh (7.860 tỷ); bà Nguyễn Hoàng Yến – vợ ông Nguyễn Đăng Quang (3.540 tỷ đồng)…
Cũng tính tới ngày 13/3, các doanh nhân, cổ đông lớn của các doanh nghiệp lớn như ông Đỗ Anh Tuấn Sunshine có tài sản quy ra từ cổ phiếu trị giá 23.600 tỷ đồng; ông Hồ Xuân Năng Vicostone (8.700 tỷ đồng); ông Trương Gia Bình FPT (9.090 tỷ đồng); ông Ngô Chí Dũng VPBank (6.200 tỷ đồng); bà Trương Thị Lệ Khanh Thủy sản Vĩnh Hoàn (7.400 tỷ đồng); ông Đặng Thành Tâm KBC (5.150 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Đạt – Bất động sản Phát Đạt (8.260 tỷ đồng); ông Đào Hữu Huyền – Hóa chất Đức Giang (9.070 tỷ đồng); ông Nguyễn Đức Tài – Thế Giới Di Động (4.200 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó là lãnh đạo hoặc/và cổ đông cá nhân lớn nhất tại một số doanh nghiệp như: Gelex (GEX), REE Corp., Ngân hàng ACB, Chứng khoán SSI, Hà Đô Group, Công ty VNZ, Hoàng Anh Gia Lai HAG, Ngân hàng Sacombank (STB), Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy TCH, Ngân hàng SeABank (SSB), Kinh Đô (KDC), HDBank (HDB), Bất động sản CEO, Đất Xanh (DXG), Chứng khoán VCI, Hoa Sen (HSG), Nam Long (NLG), TPBank (TPB), DIC Corp. (DIG), Minh Phú (MPC), Dabaco (DBC), OCB, SIP, Ngân hàng SHB, LPBank (LPB), Digiworld (DGW), PNJ, TPBank, Ngân hàng OCB, Kinh Bắc KBC, VDS, MSH, Nam Kim NKG,…
Ngoài ra, một số doanh nhân/cổ đông của một số doanh nghiệp như THD, VIBBank, NLG, PTI… cũng ngấp nghé ngưỡng siêu giàu, với tài sản chỉ tính riêng quy ra từ cổ phiếu trên sàn, chưa tính các tài sản khác hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Nhiều người siêu giàu chưa lộ diện
Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nhân nổi tiếng và được xem là siêu giàu, thậm chí là tỷ phú USD nhưng không nằm trong bảng xếp hạng nào như: bà Nguyễn Thị Nga BRG, ông Vũ Văn Tiền Geleximco, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn…
Giới đầu tư cũng thấy những gương mặt nổi bật như ông Đỗ Minh Phú Doji, ông Đỗ Quang Hiển T&T, gia đình ông Đặng Văn Thành – Thành Thành Công, vua tôm Lê Văn Quang…
Rất nhiều tập đoàn gia đình Việt đã trở thành đế chế trong các lĩnh vực họ hoạt động. Có thể kể đến gia đình bà Nguyễn Thị Điền – Công ty TNHH may thêu giày An Phước. Đây là doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam với trên 7.000 nhân viên và 11 nhà máy khắp cả nước, với hệ thống cửa hàng An Phước – Pierre Cardin (165 cửa hàng) và hơn 60 cửa hàng thương hiệu Bonjour – Anamai (đồ nội y, thể thao và phụ kiện thời trang nữ).
Bên cạnh đó là các gia đình như: Đoàn Quốc Việt (BIM Group), Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên (Kido), Vưu Khải Thành (Biti’s), Lê Văn Kiểm (Golf Long Thành), Nguyễn Hoàng Tuấn (Sơn Kim), Lý Ngọc Minh (sứ Minh Long), Trần Thanh Hải – Trần Thị Lệ (Nutifood), Nguyễn Trí Tân (Kymdan), Nguyễn Thị Mai Phương (Tân Á Đại Thành).
Mạnh Hà