6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ. Theo đó, thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, điều hành CSTT của NHNN đảm bảo được những mục tiêu lớn: góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát kỳ vọng đặt ra, lãi suất được điều hành rất quyết liệt, giá trị đồng tiền được duy trì ổn định. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD trong thời gian qua dao động trong biên độ hẹp. Đồng VND nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Trong bối cảnh nhiều quốc gia khác duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, yếu tố tỷ giá ổn định đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian qua.
Có thể thấy, sức ép lên tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không căng như những năm trước. Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ tiền tệ của các đối tác chủ chốt của Mỹ đã chạm 100,54 – mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, khả năng tỷ giá vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Mặc dù vậy, giới chuyên môn cũng cho rằng, không nên chủ quan vì áp lực lên tỷ giá cả trong lẫn ngoài cũng đang xuất hiện. Trong 3-6 tháng tới, nhóm phân tích
VNDirect nhận thấy có một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá. Thứ nhất, lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến. Thứ hai, chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Thứ ba, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ảnh hưởng mạnh hơn đến xuất khẩu. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Điều này có thể tạo ra rủi ro dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi Việt Nam và đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công. Hiện tại, chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng.
Ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam bổ sung một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thêm vào đó, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023. Tuy vậy, theo nhận định của một số thành viên VIRA, đến từ khối nghiên cứu của các NHTM, cầu ngoại tệ trong nước hiện yếu, áp lực đối với tỷ giá USD/VND tới đây không quá lớn nữa.
Chung quan điểm, ông Đinh Đức Quang cho rằng, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các nguyên nhân như thặng dư thương mại duy trì mức cao, giải ngân vốn FDI và kiều hối ổn định… sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ. “Tỷ giá USD/VND được dự báo dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023”, ông Quang nhận định.
Mới đây IMF dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 sẽ ở mức 95 tỷ USD. Chuyên gia CTCK Yunata cho rằng là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn khi tình hình xuất nhập khẩu và FDI cải thiện hơn nữa, du lịch quốc tế hồi phục… Cung ngoại tệ ổn định sẽ tạo điều kiện cho cơ quan điều hành chủ động linh hoạt trong điều hành chính sách. Đánh giá tích cực điều hành tỷ giá trong thời gian qua, nhưng giai đoạn tới, TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia tài chính đề nghị, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kiểm soát lạm phát.
Ở góc độ cơ quan điều hành, NHNN cho biết, thời gian tới tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.